Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Trí đa tinh Lý Lai Quần (2)

Tác giả: Ân Ba
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com


Tiếp theo...

Lý Hoài Kính rẽ đám đông, nộ khí xung thiên, chỉ muốn nhắm vào mông thằng bé mà đá. Lý Hoài Kính vốn đông con cái, năm sáu miệng ăn trong nhà toàn nhờ vào đồng lương còm cõi của Lý mà duy trì. Dù cuộc sống có gian khổ, khó khăn, nhưng rất ít khi Lý đánh con cái. Con cái chính là chỗ dựa tinh thần cho Lý, những khó khăn gian khổ trong cuộc sống không phải là vì con cái đó sao? Lý luôn mong con cái có ngày thành đạt, vì thế ông đã cố không đặt gánh nặng cuộc sống lên vai bọn chúng.

Đối với việc chơi cờ, Lý hoàn toàn không phản đối, thỉnh thoảng chơi vài ván thì không sao, nhưng cả ngày dán mắt vô bàn cờ, không chịu học hành tuyệt đối không thể được, với Lý việc học luôn được đặt lên hàng đầu.

Lý vươn tay tóm lấy vai thằng bé, bực tức nói: “về, mau theo tao về”

Mắt nhìn thấy ván cờ đang ưu thế lớn, nhất định sẽ thắng, đứa bé chẳng thèm ngẩng đầu lên, xẵng giọng nói: “đừng ồn, đừng ồn, sắp thắng ván này rồi”.

“Ai thèm làm ồn với mày, tao đây, còn chơi cờ tao chặt chân bây giờ”

Đứa bé vừa ngẩng đầu nhìn lên, đã thấy ông bố đang nộ khí xung thiên đứng ở sau lưng, liền vội vàng ném mấy quân cờ lên bàn, rồi vội vàng ôm cặp sách chạy đi.

Đứa trẻ ấy chính là Lý Lai Quần, ai có thể nghĩ được rằng có ngày đứa trẻ ấy lại trở thành “đặc cấp đại sư”, trở thành vị kỳ vương thứ năm trên lịch sử kỳ đàn Trung hoa.

Lý Hoài Kính không đuổi theo đứa trẻ, chỉ nhìn theo bóng đứa trẻ rồi lẩm nhẩm: “cứ chạy đi, xem mi có thể không về không?”.

Sau khi về nhà Lý Hoài Kính vẫn chẳng thể nào ngủ được, đã gần sáng mắt của Lý vẫn không thể khép lại. Thằng con vẫn chưa về. Không biết thằng bé có thể chạy đi đâu? Thật làm người ta lo lắng. Lý hối hận, vì sao lúc đó không chạy theo túm nó lại. Lý tự nói với chính mình: “về sau lúc nghỉ ngơi sẽ chơi cờ”.

Hóa ra, Lý Lai Quần chạy được một đoạn, không thấy bố đuổi theo, Lai Quần bèn dừng lại. Đột nhiên, Lai Quần cảm thấy đói vô cùng, lúc này mới sực nhớ ra mình vẫn chưa ăn cơm tối, bố luôn dặn dò phải chăm chỉ, cố gắng học hành, vậy mà Lai Quần lại bị những quân cờ thu hút, về nhà biết giải thích với bố thế nào đây? Nghĩ đi nghĩ lại, Lai Quần nhớ tới thầy giáo dạy cờ vỡ lòng Tần Liên Nguyên.

Trong giới cờ Hàm đan, nói tới Tần Liên Nguyên không ai là không biết. Tần làm ở bên cục quảng cáo, là con người nhiệt tâm đối với sự nghiệp phát triển cờ tướng. Tần tinh thâm kỳ nghệ, là con người hào sảng, và tiếng nói của Tần rất có trọng lượng trong giới cờ Hàm đan. Khi Tần Liên Nguyên lần đầu tiên thấy Lý Lai Quần trong sới cờ, đã nhận ra tố chất chơi cờ nơi Lý Lai Quần, thằng bé này nếu được dạy dỗ cẩn thận, nhất định tương lai sẽ rất sáng lạn.

Tần Liên Nguyên đang say giấc nồng thì bị Lý Lai Quần gọi dậy. Lý Lai Quần đem chuyện vừa rồi kể lại cho Tần nghe, rồi nói: “là cháu chơi cờ tới độ quên phải về nhà, vì thế bố cháu rất tức giận, về sau chỉ sợ ông cấm cháu chơi cờ”

Tần Liên Nguyên cười nói: “cháu yên tâm, chú sẽ đi tìm bố cháu”

Trời vừa sáng, Tần lấy xe đạp đưa Lý Lai Quần trở về nhà.

Khi bước vào nhà Lý Hoài Kính, chưa ngồi ấm chỗ, Tần đã nói ngay: “lão Lý, Lai Quần không có sai. Tôi hiểu thằng bé này. Nó là thằng bé ngoan, không làm chuyện xấu, chăm chỉ chơi cờ, có gì là không tốt?”

“Tôi sợ nó chểnh mảng chuyện học hành”

“Không chểnh mảng đâu, nếu chểnh mảng lão cứ tìm tôi”
Lý Hoài Kính và Tần Liên Nguyên tuổi tác ngang nhau, từ lâu đã là chỗ quen biết, đối với con người Tần, Lý cũng rất hiểu rõ. Lý Hoài Kính dù không có văn hóa, nhưng rất kính trọng người có văn hóa. Lý biết Tần Liên Nguyên không nói dối, dù không lên tiếng nhưng cũng lặng lẽ gật đầu đồng ý. Tần Liên Nguyên thấy lời của mình bắt đầu có hiệu quả, bèn nói tiếp: “sẽ có một ngày, sự nghiệp cờ tướng của nước ta phát triển, sau khi đất nước giải phóng, nhân tài trên kỳ đàn, lớp lớp xuất hiện, từ năm 1956 chính thức có giải cá nhân toàn quốc, chức vô địch luôn về rơi về tay Nam phái, vì sao chức vô địch không thể vượt sông Hoàng hà? Về tay Bắc phái chúng ta”.

Nói tới chuyện này, Tần Liên Nguyên lại phóng một ánh mắt hi vọng về phía Lý Lai Quần. Rồi nói tiếp: “trong mọi nghề, nghề nào cũng xuất Trạng nguyên. Lai Quần thông minh, lanh lợi, chỉ cần chăm chỉ học cờ, nói không chừng tương lai sẽ…”

Tần Liên Nguyên chưa nói xong, Lý Hoài Kính đã vội cướp lời: “Về sau Lai Quần có thể vô địch hay không? Tôi không dám nghĩ tới. Tôi chỉ sợ nó mê cờ mà bỏ học hành”.

Tần Liên Nguyên đã hiểu ra, thì ra Lý Hoài Kính vẫn sợ Lý Lai Quần mê cờ mà quên học hành. Vì thế Tần ra sức khuyên giải, nói điều hơn lẽ thiệt cho Lý nghe, cuối cùng thì Lý cũng nghe Tần.

Lúc này, Lai Quần vội lên tiếng: “con chơi cờ, nhưng không chểnh mảng học hành đâu, bố cứ yên tâm đi”

“Chỉ cần con không chểnh mảng học hành, thì bố cũng không phản đối con chơi cờ”.

Trong tiếng cười vui vẻ, “hiệp nghị” giữa cha con Lý đã được ký kết như vậy. Khi tiễn Tần ra ngõ, Lý hỏi nhỏ: “Cờ tướng có gì mà Lai Quần mê tới vậy?”

Tần Liên Nguyên không trả lời, chỉ cười vui vẻ bước đi.

Xưng hùng kỳ đàn Hàm đan

Thời ấy, ở Hàm đan, cờ tướng rất phát triển, nhân tài nhiều vô kể, đối với người sinh ra và lớn lên ở Hàm đan như Lý Lai Quần mà nói thì chuyện học cờ vô cùng thuận lợi. Lý vì sao mê cờ tướng, có lẽ người biết rõ nhất chính là lão hàng xóm Vu Đại Gia.

Vu Đại Gia sau khi nghỉ hưu thì không làm gì, và chơi cờ trở thành món ăn tinh thần của Vu, Vu thường rủ bạn bè tới chơi cờ. Khi ấy, Lý Lai Quần vừa mười tuổi, mỗi ngày sau khi tan học trở về nhà, Lai Quần thường thấy Vu đang cao hứng cao hứng chơi cờ cùng bạn hữu.

Dần dần, bên bàn cờ của Vu có thêm một đứa trẻ chăm chú đứng xem. Rồi Lai Quần cũng biết mặt quân cờ, và tập tành chơi thử. Vị đặc cấp đại sư sau này của kỳ đàn Trung hoa, bắt đầu những nước đi đầu tiên bên bàn cờ của Vu Đại Gia.

Có một ngày, sau khi Lai Quần tan học trở về, thấy bàn cờ của Vu đã bày ngay ngắn, nhưng không có đối thủ chơi, dường như Vu đang đợi đối thủ, thấy thế Lai Quần vội đi tới và ngồi xuống trước mặt Vu nói: “gia gia, cháu chơi với người được không?”

Vu Đại Gia cười khì khì nói: “cháu còn nhỏ, có biết chơi không đấy?”

Lý Lai Quần gật đầu, nói: “gia gia, cứ thử thì biết”
Thế là, một già một trẻ ngồi đánh cờ với nhau. Không phải mất nhiều thời gian, Lai Quần liên tiếp thua mấy ván. Vu cười nói với Lai Quần: “xem ra cháu đánh không lại ta, để ta nhượng quân xem thế nào”

Vu Đại Gia cảm thấy Lý Lai Quần rất hoạt bát, đáng yêu. Lai Quần cũng hăm hở muốn học cờ Vu Đại Gia. Từ đó về sau, một già một trẻ thường ngồi đánh cờ với nhau. Đầu tiên, Vu nhường Lai Quần đôi xe, rồi một xe hoặc một mã. Không mất nhiều thời gian, Lai Quần đã có thể đánh bằng phân với Vu. Rồi Vu cũng đã không còn là đối thủ của Lý nữa. Vu cười nói, tán thưởng Lý: “Đúng là hậu sinh khả úy, cháu quả là kỳ tài. Muốn thành bá nghiệp cần phải khổ luyện và có thiên tư, cháu đã có thiên tư, chỉ cần khổ luyện nhất định có ngày cháu sẽ thành bá nghiệp”.

Nếu nói, Lai Quần lúc đầu tiên đặt chân bên bàn cờ của Vu Đại Gia, xe pháo mã chỉ là một tia sáng thắp trong lòng người mê cờ, đến nay những lời của Vu đã làm tình yêu cờ tướng của Lý Lai Quần trở nên mãnh liệt. Lai Quần đi khắp nơi để khiêu chiến, thầy giáo rồi các bạn bè đều không phải là đối thủ của cậu. Lai Quần khi ở trường học, không ham chơi bời, ra khỏi nhà là đi đến trường học, rời trường học là đi về nhà, rất ít khi la cà trên các phố. Nhưng lúc này, vì để tìm đối thủ chơi cờ, làm Lai Quần thường xuyên lân la các sới cờ khắp hang cùng ngõ hẻm.

Lai Quần quả thật là “ngộ cờ”, cậu có thể chơi suốt cả ngày mà không biết chán. Cậu cũng rất chịu khó học hỏi, quan sát. Mỗi lần cùng người ta chơi cờ, đối phương đi như thế nào, có nước nào hay, vì sao thắng cờ, cậu đều lưu tâm để ý, ghi nhớ trong lòng. Lâu dần, các sới cờ của Hàm đan, nơi nào có cao thủ, phong cách kỳ nghệ, đặc điểm kỳ lộ, dường như đều bị Lai Quần nhìn thấu. Vì thế, kỳ nghệ của Lai Quần tiến bộ rất nhanh.

Nơi các sới cờ in dấu chân Lai Quần, những người Lai Quần đã giao đấu, dường như bọn họ đều bị kích bại. Chuyện đó truyền đi, những người tìm tới Lai Quần giao đấu ngày càng nhiều.

Có một ngày, có một vị quân nhân chuyên nghiệp tìm tới Lai Quần thách đấu, người đó tự nhận kỳ nghệ của mình không tồi, nhất định phải đánh với Lai Quần cho biết. Thế là, hai người bày cờ ra chém giết. Lai Quần thắng liền ba ván, làm người kia vô cùng bội phục, liến thoắng nói: “quả là danh bất hư truyền, kỳ nghệ của cậu thật lợi hại, tôi không phải là đối thủ của cậu. Sau cậu không tới cung văn hoa Hàm đan chơi cờ? Cao thủ của Hàm đan đều tập trung ở đó. Nếu cậu có thể kích bại các cao thủ nơi đó, thì trong giới cờ Hàm đan, cậu không là Trạng nguyên, thì cũng Bảng nhãn hoặc Thám hoa”

Người ấy nói một hồi, làm Lai Quần chạy ngay tới cung văn hóa, để xem cao thủ nơi ấy thế nào? Ban đầu, Lai Quần chỉ là một thằng nhóc xa lạ, nên chỉ có thể đứng bên ngoài xem người ta đánh cờ. Dù có thể học cờ, nhưng Lai Quần vẫn muốn được tự mình ngồi vào chém giết. Rồi không thể nín nhịn mãi, một ngày, Lai Quần thấy một kỳ thủ sắp bước đi, vội nước với người còn lại: “cháu chơi với chú một ván được chứ?”

Lai Quần liên tục kích bại người kia ba ván, thu được thắng lợi lớn. Chính những thể hiện của Lai Quần khi ấy đã lọt vào mắt Bá Nhạc kỳ đàn. Và như thế, Lai Quần quen biết với Tần Liên Nguyên.

Tần Liên Nguyên thấy đường cờ của Lai Quần nhanh nhẹn, quân đi linh hoạt, lần đầu gặp mặt đứa trẻ này đã để lại trong Tần một ấn tượng khó quên. Tần tự mình giao đấu cùng Lai Quần kết quả đều hòa. Tần Liên Nguyên thấy Lai Quần đi quân rất “rừng rú”, bộ pháp tương đối hỗn loạn, dù thế cũng đã có công phu nhất định. Điều này cho thấy rõ Lai Quần chưa được tiếp xúc với kỳ phổ, đi cờ hoàn toàn dựa vào sức nghĩ. Tần thầm nghĩ: “thằng bé này quả là có tố chất, chỉ cần có người chỉ dạy nhất định sẽ tiến bộ rất nhanh. Quả là ‘cây mạ” tốt, cần chuyên tâm bồi dưỡng nó”.

-còn tiếp-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét