Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Trí đa tinh Lý Lai Quần (1)

TRÍ ĐA TINH- LÝ LAI QUẦN
Tác giả: Ân Ba
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com









Một đôi mắt đen lanh lợi, một khuôn mặt anh tuấn, chàng thanh niên rẽ đám đông bước ra, người đó là ai vậy? người ấy là Lý Lai Quần. Tên của Lý đã làm không biết bao nhiêu con tim người chơi cờ thán phục, kỳ nghệ của Lý từ lâu đã có thể đối lại các quán quân toàn quốc, trong vài giải đấu toàn quốc, Lý dù đã tiến rất gần với chức vô địch, nhưng mãi vẫn chưa thành công. Người ta nói: “tiểu Lý có tài của quán quân, nhưng chưa có phúc của quán quân”

“Lẽ nào đây là sự thật?”

Nghĩ tới đây Lý Lai Quần bỗng bật cười. Lý lắc đầu, nhìn đồng hồ, đã tới giờ rồi. Lý bước nhanh về kỳ viện Thành đô,- nằm bên dòng sông Miên giang hiền hòa.

NGỌN LỬA NIỀM TIN

Quần anh tụ hội, mã pháo tranh hùng. Bày trước mặt Lý Lai Quần là một con đường ghập ghềnh, chông gai.

Giải cá nhân toàn quốc năm 1982 được tổ chức tại Thành đô từ ngày 12 đến 24 tháng 5. Tham gia giải có 34 kỳ thủ nam và 14 kỳ thủ nữ. Do các kỳ thủ tham gia giải đã qua tuyển chọn nghiêm ngặt nên trình độ tương đương nhau, tranh đoạt rất kịch liệt.

Phàm đã là kỳ thủ tham dự giải, có ai không muốn tranh đoạt chức quán quân? Tham dự giải lần này, đối với Lý Nghĩa Đình mà nói, niềm tin vô địch đang hừng hực. Trong tim Lý, ngọn lửa niềm tin đang bùng cháy và ngày một mãnh liệt hơn.

Trong nhà thi đấu của kỳ viện Thành đô, không gian tĩnh lặng, vậy mà khi người ta bước vào lại cảm thấy mịt mù khói súng. 48 nam nữ kỳ thủ đang kịch liệt chém giết, nhằm hoàn thành giấc mơ bá nghiệp của đời.
Lý Lai Quần thắng và lại thắng.

Dòng Miên giang lững lờ trôi, thời gian cũng cứ trôi đi, thấm thoát đã hai ngày trôi qua, Lý Lai Quần cũng đã giành hai ván thắng.

Ván đầu tiên Lý Lai Quần lấy tả mã bàn hà tấn công cao tả pháo của An huy Trâu Lập Vũ, chiến đấu được hai mươi ba hiệp thì tiểu Lý giành chiến thắng. Vòng hai, Lý lại kích bại danh tướng Quảng đông Thái Phúc Như. Lúc này, trên bảng xếp hạng Lý cùng Thượng hải Hồ Vinh Hoa và Cam túc Tiền Hồng Phát vượt lên dẫn đầu.

Trong lúc đang vui mừng, Lý lại rơi vào trầm tư: “phía trước phải chăng sẽ là một trường ác chiến? ngày mai phải chăng sẽ đụng độ người ấy?”
Lúc này, trong đầu Lý lại hiện lên bóng hình “người ấy”, đó chính là “thập liên bá” Hồ Vinh Hoa lừng danh kỳ đàn.

Hồ Vinh Hoa hùng cứ kỳ đàn hai mươi năm. Từ sau khi thất bại ở Lư sơn năm 1980, hai năm liền Hồ chưa đoạt lại ngôi bảo điện. Đây chính là hai năm ngột ngạt, cũng chính là hai năm nằm gai nếm mật của Hồ. Không có lúc nào Hồ không nghĩ tới chuyện đoạt lại giang sơn đã mất. Lần này, Hồ tràn đầy niềm tin tiến tới Thành đô. Hai vòng trước, Hồ đã giành thắng lợi trước Sơn đông Vương Bỉnh Quốc và Tứ xuyên Tưởng Toàn Thắng.

Nếu nói hai năm 1980 và 1981 là hai năm nằm gai của Hồ Vinh Hoa, thì cũng chính hai năm ấy lại là hai năm nổi lên của Lý Lai Quần. Trong giải cá nhân toàn quốc năm 1980, Lý đã đồng điểm với nhà vô địch và á quân, nhưng do thua về hệ số phụ, nên đành ngậm ngùi nhận ngôi lý quân. Đặc biệt là giải cá nhân toàn quốc năm 1981, đến vòng gần áp chót Lý đang dẫn đầu với khoảng cách ba điểm với người phía sau. Trong hai ván cuối cùng chỉ cần hòa một ván là lên ngôi vô địch. Vậy mà, vào thời khắc quan trọng ấy, Lý Lai Quần đã không giữ được bình tĩnh, tư tưởng không thể ổn định, cuối cùng đã thất bại cả hai, chức vô địch một tay chạm vào đã vuột mất, chẳng trách người ta nói “Lý có cái tài của quán quân, nhưng không có phúc của quán quân”.

Dù đã 23 tuổi nhưng khuôn mặt Lý vẫn còn rất non nớt. Bởi thế nhân sỹ giới cờ vẫn xem Lý như một đứa trẻ và gọi thân mật là “tiểu Lai Quần”. Hai lần thất bại ấm ức ấy đã làm Lý già dặn hơn. “tiểu Lai Quần” lúc này đã biến thành “đại Lai Quần”. Lý đã không còn say trong men chiến thắng. Đối với cuộc chiến phía sau, Lý đã nghĩ ngợi rất nhiều. Lý cũng đem cái “khí” bị kìm nén hai năm qua tới Thành đô tham chiến. Đối với chuyện tranh đoạt quán quân, nếu nói Hồ Vinh Hoa là “mãnh hổ hạ sơn” thì Lý Lai Quần chính là “sư tử xuất động”, Lý đã chuẩn bị toàn lực, công tòa bảo điện lần thứ ba.

Giải này áp dụng đấu vòng tròn. Hai người bằng điểm sẽ gặp nhau. Vậy thì trong ba người đang dẫn đầu là Lý Lai Quần, Hồ Vinh Hoa, Tiền Hồng Phát nhất định phải có hai nguwoif đụng độ. Người ta dự đoán rằng: “người có thể tranh đoạt quán quân năm nay cùng Hồ Vinh Hoa chỉ có Lý Lai Quần”. Thông thường mà nói, trong các giải đấu, cao thủ và cao thủ không muốn gặp nhau quá sớm, hai hổ tranh đấu tất có một con bị thương, dễ bị tổn thương “nguyên khí”. Nếu có thể gặp nhau ở phía sau, mấy trước mà đánh tốt thì cũng có chút vốn liếng, nhược bằng mấy vòng trước đánh không tốt, khi gặp nhau cũng có thể liều mạng ra sức chém giết, hi vọng vớt vát. Lúc này, Hồ Vinh Hoa và Lý Lai Quần đang ở trong trạng thái tâm lý ấy. Hồ Vinh Hoa nghĩ tới chuyện, Lý Lai Quần đang là ngôi sao mới nổi trên kỳ đàn, kỳ phong cẩn thận, bố cục chặt chẽ, là địch thủ khó ứng phó, phần thắng Hồ không dám nắm chắc, vòng ba tốt nhất là được gặp Tiền Hồng Phát. Còn về phần Lý Lai Quần? bao năm nay trong tim Lý, Hồ Vinh Hoa vẫn là kỳ thủ mà Lý kính phục nhất. Khi ấy, Lý vẫn cho rằng, dù trong hai năm qua, Hồ không giành được chức vô địch, nhưng luận về thực lực Hồ vẫn là mạnh nhất, huống hồ thành tích đối đầu với Hồ của Lý trong quá khứ vẫn là thua nhiều thắng ít, muốn kiếm được hai điểm trên tay Hồ quả không phải là chuyện dễ dàng. Ngày mai tốt nhất đừng gặp Hồ.

Ghét quả nào trời trao quả ấy, vòng ba quả nhiên Lý- Hồ gặp nhau. Tối hôm bốc thăm, Hồ Vinh Hoa vẫn đợi tin tức, khi có người báo cho Hồ biết đối thủ ngày mai sẽ là Lý Lai Quần, Hồ đã không cầm được tiếng lòng, nói: “quả nhiên là đụng độ rồi”.

Sau khi biết được kết quả bốc thăm, Lý Lai Quần cũng đã phải thốt lên: “Thật không ngờ trận ác chiến này lại tới sớm thế”

Đồng đội trong đội Thượng hải ngầm nhắc nhở Hồ Vinh Hoa rằng: “không thể xem thường Lý Lai Quần”

Những người chống lưng cho Lý Lai Quần trong đội Hà bắc cũng dặn dò Lý rằng: “Đối phó với Hồ Vinh Hoa nhất định không được khinh suất”.
Trên thực tế, sau khi biết được kết quả bốc thăm, cuộc giao chiến giữa hai hùng sư đã bắt đầu rồi.

Hôm thi đấu, vừa ăn sáng xong, Hồ Vinh Hoa một mình tản bộ trong khuôn viên Thành đô kỳ viện. Lúc thì Hồ hai mắt nhắm hờ, lúc thì hai mày nhíu lại, lúc thì lại lặng lẽ lắc đầu. Có thể nhìn ra, Hồ Vinh Hoa đang đau đầu suy nghĩ làm sao đối phó với Lý Lai Quần. Cùng lúc ấy, trong căn phòng đại bản doanh của đội Hà bắc, cũng đang tiến hành họp khẩn cấp, chủ đề cuộc họp xoanh quanh chuyện phải đối phó với Hồ Vinh Hoa như thế nào. Người bàn kế này, người đưa kế nọ, vô cùng sôi nổi. Cuối cùng, lãnh đội Lưu Điện Trung lên tiếng: “Trận chiến này vô cùng quan trọng, phải hạ quyết tâm giành thắng lợi. Đối phó với cường địch, tất nhiên phải chuẩn bị kỹ càng”

Tiếp đến, Lưu Điện Trung phân tích về ‘kẻ địch”, chỉ ra Hồ Vinh Hoa dù công lực rất thâm hậu, kỹ chiến thuật toàn diện, nhưng cũng có điểm yếu để công kích. Cẩn thận phân tích mỗi ván Hồ từng đấu qua, vẫn phát hiện ra một, hai nước yếu, quan trọng phải nắm được nước yếu đó. Trong giải này, Hồ rất muốn vô địch để đoạt lại những gì đã mất, vì thế có khả năng có tư tưởng “sợ thua”.

Thời gian họp khẩn cấp dù rất ngắn, nhưng đã giải quyết nhiều vấn đề. Mọi người tham gia họp đều nhất trí rằng: “Được cầm tiên phải tranh quyền chủ động, nhất định phải giữ vững ưu thế tiên thủ, tiến hành trường kỳ kháng chiến. Nếu khai cục bất lợi, không được liều lĩnh, nhất định phải ra sức cầu hòa”.

Cuộc họp khẩn cấp vừa giải tán, có một phóng viên tìm đến phỏng vấn Lý Lai Quần. Nhưng lãnh đội Hà bắc đã không cho gặp, bảo: “Lý Lai Quần hiện giờ đang có việc, lúc khác sẽ tiếp phóng viên”.

Quả nhiên, phóng viên không nhìn thấy Lý Lai Quần, vậy Lý đang ở đâu?
Trong một căn phòng khác trong đại bản doanh của đội Hà bắc, cửa đã được khép chặt, rèm cửa sổ cũng được kéo kín, không biết từ khi nào Lý đã được “cách ly”. Lý cũng cần tranh thủ thời gian lên dây cót tinh thần. Nhưng lấy động chế tĩnh, tĩnh rồi nhập vào giấc ngủ nào có dễ dàng như vậy, Lai Quần không có “nội công” cao tới tu vi đó. Đầu óc Lý không thể nào bình tĩnh trở lại được, bao chuyện xưa cứ lần lượt hiện ra trước mắt Lý, từng chuyện từng chuyện một, thậm chí Lý còn nhớ tới những câu chuyện từ thời còn thơ ấu…..

DƯỚI NGỌN ĐÈN ĐƯỜNG ẢM ĐẠM

Một ngày trong quãng thời gian mười năm “văn cách”, trong màn đêm âm u nơi cổ thành Hàm đan, mọi người đã đóng cửa lên giường từ lâu, người công nhân Lý Hoài Kính chẳng thể nào ngủ được, trong lòng anh đang rối như tơ vò. Tiếng kim “tích tắc” của chiếc đồng hồ nơi đầu giường, càng làm Lý rối thêm. Anh ngồi dậy, khoác áo lên vai, nhìn đồng hồ lúc này đã hơn mười hai giờ, một tiếng thở dài trong đêm tối vang lên: “Đã khuya vậy, sao nó vẫn chưa về, không biết là nó đã đi đâu?”

Lý Hoài Kính đang lo lắng cho đứa con trai nhỏ của mình. Đêm đã khuya lắm rồi, mà chưa thấy thằng bé về nhà, trong thời loạn lạc thế này, người làm cha làm sao có thể không lo lắng được kia chứ?

Vừa lo lắng, vừa bực tức, và dù đã rất mệt thì Lý Hoài Kính vẫn chẳng thế nào ngủ được, trong lòng Lý thầm nghĩ: “mình phải đi tìm nó thôi”.

Trong đêm khuya, Lý Hoài Kính tất tả chạy khắp các con phố lớn nhỏ của thành Hàm đan, Lý không ngừng nhìn ngược, nhìn xuôi tìm kiếm xung quanh. Cũng không biết đã phải chạy qua bao nhiêu con phố, cuối cùng Lý Hoài Kính chạy đến gần sân thể dục thành phố, mắt nhìn xung quanh, dưới ngọn đèn ảm đạm ở sân thể dục, chỉ thấy từng nhóm người đang túm tụm vào nhau.

“Mọi người đang làm gì vậy” Lý Hoài Kính bước lại phía ngọn đèn đường
Tới gần, Lý Hoài Kính mới vỡ ra, hóa ra là mọi người đang chơi cờ. Trong lòng Lý thầm nghĩ: “thật là phí công, ban ngày còn phải kiếm sống, tối về không ngủ sao lại ra đây chơi cờ”. Lý Hoài Kính bước qua đám đông đó. Đột nhiên, Lý dừng bước, ánh mắt Lý chiếu vào một đứa trẻ. Nhìn dáng vẻ thằng bé có lẽ khoảng mười tuổi, đang ngồi bên bàn cờ, nó đang cầm quân xe, vươn tay đặt xuống hàng đáy của đối phương, miệng kêu ‘chiếu tướng”

“Là nó, đúng là nó rồi”.

-Còn tiếp...-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét