Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011
Thiên hạ anh hùng ai địch thủ- Tự truyện Hồ Vinh Hoa
Lược dịch: k400201@dichnhac.com
Nguồn: gdchess.com
Người đầu tiên dạy tôi chơi cờ là bố tôi, dù rằng nếu lấy tiêu chuẩn bây giờ mà đo, trình độ của bố ngày ấy thực sự rất thấp, nhưng chính bố là người làm cho tôi cảm thấy hứng thú với cờ tướng. Mỗi đêm, bố thường gọi tôi và chị gái tới đầu giường, dạy chúng tôi chơi cờ. Ngày ấy, bố không thể ngờ rằng, có ngày ba chữ “Hồ Vinh Hoa” lại trở thành “huyền thoại” trên kỳ đàn. Bố dạy chị em tôi chơi cờ chỉ là để cho chúng tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống, và cũng là để chúng tôi có việc làm trong lúc nhàn rỗi, bớt gây chuyện thị phi. Ngay từ khi mới bắt đầu, đối với 32 quân cờ tôi đã rất hứng thú, dù lúc đó trình độ của tôi rất thấp, đến chị gái cũng có thể đánh bại tôi.
Cũng may, con phố nơi tôi sống có rất nhiều người mê cờ. Ngày ấy, trong con mắt trẻ thơ của tôi có rất nhiều “cao thủ”, trong đó có 2 người thường tới trà quán “lăng vân các” chơi cờ. Đầu những năm 50, “Lăng vân các” là trà lầu nổi tiếng nhất của giới cờ Thượng hải, các cao thủ phuơng xa tới đây, nhất định phải tới nơi này, bởi ngày ấy trong giới cờ có câu rằng: “muốn nổi danh, nhất định phải thắng ở Lăng vân các”.
Sau khi làm quen với những nước đi của xe, pháo, mã, tới trường tôi thường tìm bạn học để chơi cờ. Rất nhanh, các bạn học đều không phải là đối thủ của tôi, thế là, tôi chuyển sang tìm bạn bè chơi cờ, nhưng những người cùng tuổi biết chơi cờ không có nhiều, tôi bèn tìm người lớn để “tỷ đấu”. Các chú, các bác cũng đồng ý chơi với tôi một hai ván. Nhưng cuối cùng thì người lớn vẫn mạnh hơn trẻ con, ban đầu mọi người nhường tôi xe, pháo, mã tôi vẫn thua. Nhưng dần dần chỉ nhường tôi xe, mã, về sau là đơn xe, rồi song mã, đơn mã, cho đến khi chỉ có thể nhượng tiên… Có lẽ trải qua khoảng thời gian hơn 2 năm, một buổi chiều tà, một chú thường chơi cờ cùng tôi, sau vài ván đã thốt lên rằng: “về sau không thể nhượng tiên nữa, nên đánh bằng phân thôi”. Câu nói này, đã bao lâu tôi mong ngóng chú nói ra. Bữa cơm tối hôm ấy tôi cảm thấy đặc biệt ngon.
Sau khi kỳ nghệ của tôi có bước tiến dài, bố và chị gái từ lâu đã không phải là đối thủ, nhưng lại xuất hiện một trở ngại mới, mẹ tôi, trước đây luôn tươi cười mỗi khi tôi, chị gái và bố chơi cờ, giờ đây lại kiên quyết phản đối tôi chơi cờ. Đã có vài lần, mẹ ném đi những quân cờ của tôi. Mẹ phản đối tôi chơi cờ chủ yếu có hai lý do: thứ nhất, tôi thường về nhà muộn; thứ hai, sau khi chơi cờ, tôi thường ngồi một mình nghĩ về cờ, có khi ăn cơm trong bụng vẫn nghĩ tới cờ. Mẹ sợ tôi “tẩu hoả nhập ma”, nên muốn tôi đoạn tuyệt với cờ. Nhưng sau nhiều lần thuyết phục, cuối cùng mẹ cũng nhượng bộ tôi. Vì thực tế chứng minh, tôi không thể “tẩu hoả nhập ma”, cũng không bỏ bê bài vở vì cờ, hơn nữa lại có sự tác động của bố, cuối cùng mẹ không còn phản đối tôi chơi cờ.
Ở trường tiểu học, tôi rất mau trở thành “kỳ đại vương” của trường, mỗi ngày tan học về nhà, việc trước tiên là tôi làm xong bài tập (ngày đó dường như bài vở chưa nhiều, tôi thường làm xong từ khi ở trên lớp), rồi tìm người chơi cờ, nếu không tìm được người chơi cờ là tôi lân la tới các sới cờ gần đó xem người chơi cờ. Còn nhớ sới chủ khi ấy là một trung niên rất hào sảng, vì tôi thường xuyên tới xem cờ, cho nên sới chủ cũng quen mặt tôi. Một ngày, có lẽ sới cờ ế ẩm, sới chủ liền chủ động mời tôi chơi cờ với người khác, ông nói nếu tôi thua không cần trả tiền, còn nếu thắng thì đối thủ trả tôi 2 phân tiền. Lúc đó, tôi chỉ mới hơn 10 tuổi, trong mắt người lớn nào đã làm gì có tôi, không ngờ rằng tôi liên tục thắng mấy ván liền, đổi vài đối thủ, trong 1h tôi thắng 10 ván. Vậy là, tôi đã giải khát được cơn nghiện cờ, sới chủ cũng rất vui mừng, muốn tôi thường xuyên tới đây chơi, vì dùng tôi để “kéo khách” rất thích hợp.
Từ đây về sau, kỳ lộ của tôi rộng hơn, cũng kết giao được không ít “kỳ hữu’, sới chủ làm ăn cũng khá hơn. Khi tôi 11 tuổi, tôi đã là “tiểu kỳ vương” trên các đường phố, nhưng kỳ nghệ nâng cao không nhanh. Một ngày, có một người quen của sới chủ mang tôi tới đường Triệu Gia Tân, xin một “lão sư’ chỉ điểm cho tôi. Vị lão sư đó chính là Đậu Quốc Trụ, một trong “Dương châu tam kiếm khách” lừng lẫy kỳ đàn. Còn nhớ lúc tôi đi là một chiều mùa hè, hai người chúng tôi đi qua rất nhiều đường mới tới nhà Đậu lão sư. Nhưng khi chúng tôi tới nhà, Đậu lão sư đang ngủ, chờ hơn một tiếng, Đậu lão sư mới tỉnh dậy, nhìn thấy thành ý của chúng tôi, ông rất cảm động, vội vàng lôi cờ ra bồi tiếp tôi, tôi cũng không khách khí, cầm cờ đi đương đầu pháo, sau đó kết thành liên hoàn mã. Lúc bắt đầu, lão sư không để ý, đi cờ tuỳ tiện, ai ngờ vào trung cục tôi gia tiến trung binh, làm lão sư một phen kinh ngạc, phải tổn hao tâm sức mới hoà cờ. Sau ván cờ, lão sư rất vừa ý nói: “Hôm nay, lão dùng 5 thành công lực; tiểu tử này có thể hoà, quả là nhân tài có thể dạy”.
Những ngày nghỉ hè của mùa hè năm 1957, cái nóng như thiêu như đốt làm mọi người chỉ thích trong nhà, chẳng mấy ai dám ra ngoài, cũng vì thế tôi không tìm được đối thủ chơi cờ, cảm thấy lúc đó thật buồn chán.
Một ngày, có một “lão kỳ hữu” tới nhà tìm tôi, ông nói Cung thiếu niên Thượng hải trong hè này, có tổ chức giải cờ dành cho học sinh trung học, tiểu học, và hỏi tôi có muốn tham gia không, đây đối với tôi mà nói, đương nhiên là chuyện cầu còn chẳng thấy, thế là tôi xin người ấy đi đăng ký cho tôi, tham gia ở mục học sinh tiểu học.
Cung thiếu niên Thượng hải là nơi tôi rất thích tới. Vì khi ấy tôi còn nhỏ, nên ít có cơ hội tới đây. Bây giờ có cơ hội được vào trong, đương nhiên là chuyện vô cùng đáng mừng, người lão kỳ hữu nhiệt tình đó tên gọi Bác Ngạc Đình.
Ông không chỉ đăng ký giúp tôi, hơn nữa còn thường xuyên đưa tôi đi cung thiếu niên, có khi còn đưa tôi về nhà. Mỗi khi nhớ tới quãng thời gian này, tôi luôn muốn gửi tới ông lời cảm tạ sâu sắc nhất.
Cuộc chiến ở thiếu niên cung vô cùng quyết liệt. Vì có rất nhiều đối thủ mạnh ở các lứa tuổi tham gia. Nhưng, cuối cùng tôi với thành tích bất bại, đã giành được chức quán quân. Giải thưởng ở thiếu niên cung mang lại cho tôi 3 hào bạc, 1 lá cờ, và 1 bộ cờ. Đây là, lần đầu tiên tôi tham dự giải, cũng là lần đầu tiên đoạt giải thưởng. Sau khi trao giải xong, tôi vội vàng chạy về nhà, đem phần thưởng nói với bố mẹ, với chị gái, và với các kỳ hữu, mong mọi người chia vui cùng tôi.
Cũng chính ở giải đấu này, tôi đã gặp được “Bách tuế kỳ vương”. Năm đó, dù Tạ lão tuổi đã cao, nhưng vẫn còn rất sung sức. Nhìn thấy tôi, Tạ lão rất vui mừng, ông giao lưu với tôi một ván nhường tôi 2 tiên, kết quả ván ấy hoà. Tạ lão nắm tôi vui mừng nói: “Rất tốt, rất tốt”.
Sau giải ở cung thiếu niên. Tôi bắt đầu có chút danh tiếng. Ngày ấy có người giới thiệu, tôi đến “đắc ý trà lầu” chơi cờ, đó là kỳ đài biểu diễn của đội cờ biểu diễn Thượng hải, cũng chính là nơi các danh thủ tổ chức biểu diễn. Ngày ấy, trình tự biểu diễn trước tiên là 2 danh thủ đối địch, sau đó mới tới những người như tôi lên chờ khách tới ứng chiến. Một lần, sau kết thúc biểu diễn của 2 cao thủ, theo quy định cũ, tôi lên đài chờ khách ứng chiến, lúc đó không biết ai hô lớn: “có cao thủ nào tới tiếp chiến tôi không?” Không một cánh tay nào giơ lên, bởi vì với tôi mà nói, được chơi cờ với danh thủ, đương nhiên là rất tốt, nhưng để một danh thủ chơi cờ với một đứa trẻ như tôi lại là một chuyện khác, chẳng ai đồng ý, trà lầu bỗng trở nên yên tĩnh lạ thường, bỗng nhiên có một lão kỳ thủ tên gọi Trần Xương Vinh đến trước mặt tôi và nói: “để tôi tiếp cậu một ván’. Trần khi ấy là một trong 6 đại cao thủ của Thượng hải, cho dù tôi đi tiên nhưng rất khẩn trương. Thấy vậy, Trần tiên sinh khích lệ tôi và nói: “đừng vội vàng, cứ bình tâm suy nghĩ”. Lúc đó, tôi mới nhẹ nhõm được chút ít. Trải qua gần một giờ ứng chiến, cuối cùng tôi đã giành được thắng lợi ngoài sức tưởng tượng. Sau ván đó, Trần lão sư xoa đầu tôi và nói: “tiểu quỷ cậu đánh hay lắm”. Lúc ấy, tôi ngẩng cao đầu nhìn Trần cười rất tươi, cho dù chỉ là một câu nói ngắn ngủi, nhưng làm tôi cảm nhận được sự khích lệ rất lớn từ vị tiền bối của kỳ đàn. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn có thể nhớ rõ cảm giác làm cho tôi cả đời khó quên khi ấy.
Tin tức tôi thắng Trần tiên sinh ở “đắc ý trà lầu” lan đi rất nhanh trong giới cờ Thượng hải. Nếu nói tôi ở thiếu niên cung đoạt chức vô địch chỉ là anh hùng trong mắt trẻ con, thì trận chiến ở ‘đắc ý trà lầu” đưa tôi vào đội ngũ của người lớn, đã mở ra cánh cửa lớn cho tôi bước vào. Và chính ở trong “đội biểu diễn”, tôi quen một vị lão sư khác- Từ Đại Khánh tiên sinh, Từ lão sư là một trong những lão sư có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi trên bước đường dùng cờ sinh nhai. Ông không chỉ nhiệt tình chỉ dạy tôi, hơn nữa luôn tìm cách đưa tôi đến các giải cờ lớn cho tôi học hỏi kinh nghiệm. Mỗi tuần có một buổi chiều đưa tôi đi ‘đại thế giới” (bây giờ là Cung thanh niên Thượng hải” xem khách tới ứng chiến. Ngày ấy, hoạt động cờ ở “đại thế giới” rất sôi nổi. Chính ở nơi đây, tôi đã được phân cao thấp với các cao thủ đầu đường xó chợ từ khắp nơi đổ về đây, trong những cuộc giao chiến với bọn họ tôi đã rèn luyện được không ít bản lĩnh.
Nhưng, chỉ chơi như vậy, cuối cùng khó mà “đột phá”. Vì vậy Từ lão sư đưa tôi tới phòng trà của công viên Hoài hải. Thời sau của những năm 50, nơi đây hội tụ tất cả anh hùng hào kiệt của Thượng hải và các nơi khác, nhờ sự giới thiệu của Từ lão sư tôi có được sự chỉ dạy thực chiến của Hà Thuận An, Từ Thiên Lợi, Lý Nghĩa Đình… Chính nhờ sự chỉ dạy ấy đã đưa tôi tới một vùng trời mới của thế giới cờ tướng.
Tháng 1 năm 1957, cuối cùng tôi cũng tiến nhập đội cờ của Thượng hải, khi ấy trong đội cờ ngoài các lão sư Hà Thuận An, Từ Thiên Lợi, Đồ Cảnh Minh, còn có đại sư huynh Trần Kỳ. Lần đầu tiên tôi tới đội giống như một học sinh tiểu học bỗng chốc học cao đẳng. Mấy vị lão sư trước kia đã chỉ dạy qua cho tôi, bây giờ tôi chính thức là một thành viên sớm chiều tương kiến. Trong đội, mọi người luôn quan tâm, chăm sóc tôi, bởi khi ấy tôi là thành viên nhỏ tuổi nhất, mỗi ngày đều cùng tôi thẩm cờ, phân tích nước nào là hay, nước nào là dở. Nhưng điều làm tôi buồn phiền đó là, đã mấy tháng rồi tôi chỉ thua và thua, giống như tôi không bao giờ bước vào được cảnh giới của mấy lão sư. Duy chỉ có một điều tôi yên tâm đó là, dù tôi thua nhưng các lão sư không bao giờ trách mắng tôi, luôn luôn khích lệ tôi. Cuối cùng, rồi cũng đến ngày tôi đổi vận, trong ván đấu với Hà lão sư, tôi đã thủ hoà, đây là sự đột phá của tôi trong đội, Hà lão sư vui mừng nói: “tiểu quỷ thật không đơn giản!”. Ngày hôm ấy, tôi cảm thấy sao hôm nay bầu trời cao xanh thế.
Tháng 5, tôi tham gia đại hội thể dục lần 2 của Thượng hải và xếp thứ 7. tháng 8, trong 1 giải mùa thu, tôi xếp hạng 4. Tháng 10, trong đại hội thể dục mùa thu, cờ tướng chỉ mang tính biểu diễn, tôi đoạt hạng 3. Mấy giải đó đã dạy cho tôi rất nhiều. Còn nhớ, trong giải có ván tôi gặp một kỳ thủ lớn tuổi hơn tôi rất nhiều. Theo hình cờ, tôi đang nắm quyền chủ động. lúc đó, tới lượt đối thủ đi, chỉ thấy người ấy sau khi đi cờ liền “ớ’ một tiếng, biểu hiện động tác muốn đi lại cờ, tôi vừa nhìn đã thấy có cơ hội ăn xe, thế là không cần suy nghĩ thêm vội nhảy pháo chiếu tướng chém xe, nào ngờ đâu khi tôi tiến pháo chém tốt 5, người ấy không sợ sệt nhảy pháo chiếu lại và chém mất xe của tôi ( cái kế giả vờ ngu này sau này Hồ tư lệnh áp dụng với Vương Gia Lương trong giải cá nhân năm 64 hay 66 gì đó, truyện này có ghi trong quyển 100 ván phi tượng cục của Hồ Vinh Hoa, ai quan tâm có thể tìm đọc ). Tôi trân trân nhìn ván cờ, đang từ thắng chuyển thành thua, buồn tới rơi lệ. Lúc về, Từ lão sư giận dữ nói tôi: “sao lại nhắm mắt đi cờ như vậy?”, tôi ấm ức trả lời: “sợ đối phương đi lại ”. Vừa nói như vậ xong mọi người đều cười phá lên. Hà sư phụ an ủi tôi: “con không biết là đã đi rồi không được đi lại sao?”, “Biết ạ”, “vậy tại sao còn lo lằng đối thủ đi lại cờ?”, đúng vậy, chỉ cần đối phương đã đi, là không thể đi lại, đây là đạo lý cơ bản nhất, tại sao tôi lại có thể quên. Bây giờ nghĩ lại, đương nhiên cảm thấy rất đáng cười, nhưng khi ấy đã dạy cho tôi một bài học rất sâu sắc.
Năm 1959 quả thật là một năm không bình thường. Trong năm này, “quỷ thúc” Dương Quan Lân tới Thượng hải giao lưu. Dương lão chính là cao thủ mà từ khi còn nhỏ tôi đã rất sùng bái. Ông tới Thượng hải đội, tôi không có đủ tư cách để tiếp cờ ông, chỉ được ngồi phía sau người lớn xem ông thi đấu. Một lần, Hà sư phụ gọi tôi và nói: “học một ván chứ” và cười nói với Dương: “Lão Dương chỉ giáo tiểu quỷ này một ván”. Dương lão cười cười gật đầu đồng ý. Tôi vui mừng ngồi ván bàn cờ. Nói thật lòng, lúc đấy phải đối diện với một “nhất đại tôn sư” trong lòng tôi rất khẩn trương, ván đầu tôi thua rất nhanh, Dương lão cười và khích lệ: “đừng vội, cứ bình tĩnh”. Ván 2, tôi bày bố trận “cấp tiến trung binh”, có lẽ do ván đầu dễ dàng thắng nên ván này Dương lão có chút xem thường, kết quả bị tôi kích bại. Sau ván Dương lão liên tục nói: “không tồi, không tồi”. Đương nhiên tôi vui mừng vô cùng, đồng thời cũng cảm tạ Dương lão đã cho tôi một cơ hội học hỏi.
Tháng 6, tôi tham gia giải giao hữu ngũ tỉnh ở hàng châu. Góp mặt ở giải có các đại cao thủ như Vương Gia Lương, Lưu Ức Từ, Mạnh Lập Quốc…Trước giải mọi người đều cho rằng Vương hoặc Lưu sẽ vô địch. Nhưng cuối cùng tôi với 7 thắng 3 hoà đoạt ngôi quán quân. Lần đầu tiên tham gia giải lớn có thể đoạt quán quân, mọi người đều rất vui mừng về tôi. Nhưng từ thực lực mà nói, không ít nhất lưu cao thủ trình độ vẫn hơn tôi, tôi không có lý do gì để có thể tự mãn. Nhưng nhờ có giải này, đã tiếp thêm cho tôi niềm tin tôi sẽ vượt qua bọn họ.
Tháng 11, giải cá nhân toàn quốc diễn ra tại Bắc kinh. Trước giải tôi đã thầm đặt ra mục tiêu phải lọt vào nhóm “quốc thủ” (6 người đứng đầu), căn bản tôi không dám nghĩ tới tranh đoạt quán quân. Vòng đầu tiên, tôi gặp Mạnh Lập Quốc, Mạnh công sát cực mạnh, có biệt danh là “sát tượng năng thủ”. Tôi hậu thủ bình phong mã, đối thủ quả nhiên lợi hại, trung cuộc chém của tôi 1 tượng, nhưng tôi nắm được cơ hội, tính đi chủ lục, về tàn cục tôi chiếm ưu thế và giành thắng lợi.
Vòng 2, tôi gặp Lý Nghĩa Đình, vị quán quân năm 1958, công lực của Lý rất thâm hậu, trải qua hơn 4 giờ kịch chiến, cuối cùng tôi với song mã, pháo, song sỹ đã nói hoà với song mã, pháo, sỹ tượng toàn của Lý.
Vòng 3, tôi lại gặp “quỷ thúc”. Trước ván, Hà sư phụ và Từ lão sư giúp tôi đưa ra đối sách, và thẩm bố cục “tả pháo phong xe” cho tôi. Khai cục, quả nhiên Dương lão dùng đương đầu pháo tiến thất binh, tôi liền ứng chiến bằng trận thức “tả pháo phong xe”. Đánh đến hiệp 8, đối phương đã nhảy hà khẩu mã, ám phục nước mã đoạt trung binh, hoặc nước tiến tốt tróc pháo, chiêu này làm tôi nghĩ hơn 20 phút, cuối cùng tôi chọn chiến thuật “phế pháo tranh tiên”. Kết quả tôi bỏ pháo lấy 3 tốt của đối phương, khống chế toàn cục. Trải qua hơn 100 hiệp giao chiến, cuối cùng tôi giành được thắng lợi, ván này đặt nền móng cho chức vô địch của tôi lần này.
Khai cục của ván đó như sau:
Pháo 2 bình 5… mã 8 tiến 7
Mã 2 tiến 3…… xe 9 bình 8
Xe 1 bình 2…… tốt 7 tiến 1
Tốt 7 tiến 1…… pháo 8 tiến 4
Mã 8 tiến 7……. tượng 3 tiến 5
Pháo 8 tiến 7….. xe 1 bình 2
Xe 9 bình 8…… pháo 2 tiến 4
Mã 7 tiến 6……. sỹ 6 tiến 5
Tốt 7 tiến 1…… pháo 8 bình 5
Sỹ 4 tiến 5……. xe 8 tiến 9
Mã 3 thoái 2……xe 2 tiến 5
Mã 6 thoái 8………..
Giải đấu kết thúc,Phó tổng lý Trần Nghị tự tay trao giải cho tôi, khi tấm huy chương được quàng vào cổ tôi, ông vui mừng hỏi: “cậu là Hồ Vinh Hoa? 15 tuổi!”, tôi vui mừng quá đỗi chỉ biết gật đầu, ông cũng vui mừng nói: ‘quả là anh hùng xuất thiếu niên”.
Đoạt chức quán quân năm 1960, làm tôi chính thức bước ra sân khấu lớn của kỳ đàn, nhưng một lần đoạt chức vô địch không có nghĩa là kỳ nghệ của bản thân đã vô địch, tôi còn cần cố gắng hơn nữa…
Bước vào tuổi trung niên, thường hay thích nhớ về những hồi ức xa xưa. Lúc ấy, có rất nhiều chuyện vui buồn khó có thể quên. Nhưng với tôi mà nói, ấn tượng sâu sắc nhất chính là đầu những năm 60, một nhà báo của Thượng hải đã ‘tán thưởng” tôi rằng: “Hồ Vinh Hoa là bông hoa trên kỳ đàn tổ quốc”.
Trải qua hơn 20 năm chinh chiến, hôm nay tôi phải nói rằng, nhà báo đó chỉ nói đúng một nửa. Tôi, bông hoa trên kỳ đàn, được vun trông bởi rất nhiều vị ân sư Đậu Quốc Trụ, Từ Đại Khánh, Hà Thuận An, Từ Thiên Lợi, Đồ Cảnh Minh, Chu Kiêm Thu… và còn có rất nhiều kỳ hữu nhiệt tâm khác, nhờ có sự giúp đỡ ấy, tôi mới có thể trưởng thành được như ngày hôm nay.
20 năm đã trôi qua, các vị ân sư, kỳ hữu người còn người mất, tận đáy lòng tôi luôn muốn tới tất cả họ một câu cảm ơn sâu sắc.
Hết.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét