Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Hồ Vinh Hoa phượng hoàng bất tử (4)


Tác giả: Ân Ba- Tạp chí kỳ nghệ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com



Tiếp theo...

Đối với hai kỳ thủ sau khi phong cờ trong các giải đấu bây giờ không có bất cứ quy định gì, hai bên có thể tìm người tham khảo ý kiến, từ đó tìm ra đối sách ứng phó thích hợp. Nhưng giải năm 1962 không giống như bây giờ, khi ấy có quy định, khi phong cờ thì “phong luôn cả người”, nghĩa là khi ra khỏi phòng thi đấu các kỳ thủ chỉ được tiếp với trọng tài. Trong thời gian phong cờ, 2 kỳ thủ dù là đi ăn, đi vệ sinh hay làm bất cứ chuyện gì đều phải có được sự đồng ý của trọng tài, và phải có người đi theo giám sát.

3h chiều, trận chiến tiếp tục, sau khi mở phong cờ, Hà Thuận An và Lý Nghĩa Đình tiếp tục thi đấu trong một căn phòng nhỏ bí mật. Trong căn phòng nhỏ bí mật ấy, ngoài trọng tài, bất cứ người nào cũng không được ra vào.

Dường như tất cả mọi người đều cho rằng, Lý Nghĩa Đình thắng chắc, Hà Thuận An thua chỉ là vấn đề thời gian. Ngờ đầu, tình hình lại có sự thay đổi. Hai người đánh tới gần 5 giờ đồng hồ, chuẩn bị phong cờ lần thứ 2, lúc này Lý đầu óc mụ mị bỗng dưng đi ra một nước yếu, mang lại cho Hà một cơ hội ngàn năm khó gặp, Hà nhanh chóng nắm lấy cơ hội, kỹ diệu đi cờ bức hòa Lý. Hà cuối cùng cũng được như sở nguyện, kiếm được từ Lý 1 điểm. Như vậy, Lý bây giờ kém Hồ Vinh Hoa và Dương Quan Lân 1 điểm.

Sau khi Lý Nghĩa Đình đồng ý hòa, Hà Thuận An mới có thể thở phào nhẹ nhõm, hai mắt ngưng thần, toàn thân rã rời, ngã gục xuống ghế. Hà đã quá mệt, lại quá căng thẳng, vì để cầm chân Lý, vì để giúp đỡ Hồ Vinh Hoa đoạt ngôi quán quân, Hà lão tiên sinh chấp nhận trả giá mọi thứ.
Vòng cuối cùng, cả Hồ Vinh Hoa, Dương Quan Lân, Lý Nghĩa Đình đều giành thắng lợi trước các đối thủ của mình. Như vậy Hồ Vinh Hoa, Dương Quan Lân cùng điểm, đồng chức vô địch. Đây là lần duy nhất trong lịch sử kỳ đàn 1 năm có 2 vị quán quân. Lý Nghĩa Đình kém 1 điểm, đành ấm ức nhận ngôi á quân. Từ năm 1964 đến năm 1979, Hồ Vinh Hoa liên tục giành thêm 8 lần vô địch, hoàn thành vỹ nghiệp “thập liên bá” của Hồ.

THẤT BẠI LƯ SƠN

Hồ Vinh Hoa 10 lần vô địch liên tiếp, độc bá kỳ đàn suốt 20 năm ròng, với người thường mà thấy thì Hồ toàn thuận buồm xuôi gió. Nhưng đến năm 1980. Hồ Vinh Hoa đã gặp một thất bại nặng nề, đó là phải xuống chơi ở Ất tổ.

Tờ báo thể dục ngày 31 tháng 12 năm 1980 đã đưa tin rằng: “kỳ đàn tân tú, thập liên bá Hồ Vinh Hoa phải xuống chơi ở Ất tổ…” Suốt trong một thời gian dài tiếp sau đó, liên tục đưa các tin như Hồ Vinh Hoa và thất bại Lư sơn, Hồ Vinh Hoa thất bại vì đâu…

Có một ký giả rất “hứng thú” về Hồ Vinh Hoa đã thực hiện một cuộc phỏng vấn Hồ trong quãng thời gian này:

“Xin tiên sinh cho biết, đối với các bình luận trên các mặt báo, tiên sinh cảm thấy thế nào?”

“Hỏi tôi phải làm sao trả lời đây? Đương nhiên đang là “thập liên bá” bỗng dưng phải chơi ở Ất tổ, xem ra đó có thể coi như là tin “giật gân”, nhưng tin giật gân đó sớm muộn cũng sẽ xảy ra, bởi một người không thể mãi mãi chiến thắng, nói ra cũng có chút hổ thẹn, nhưng quả thật thất bại ở Lư sơn nằm ngoài dự liệu của tôi.”

Hồ Vinh Hoa 15 tuổi bước chân ra kỳ đàn, từ đó đến nay vẫn rất thuận buồm xuôi gió, khi bỗng nhiên Hồ gặp thất bại, phải chịu bao lời chỉ trích. Đối diện với bao nhiêu lời bình luận trên các mặt báo, Hồ Vinh Hoa nghĩ rất lâu, rất lâu. Trong con mắt xa xăm, nặng nề của Hồ dù không bắt gặp ánh mắt lo lắng của giải toàn quốc năm đó, nhưng trong suốt một quãng thời gian dài, tinh thần của Hồ vẫn không thể rời khỏi Lư sơn.
Ngồi trước Hồ lúc này là kẻ địch lớn nhất đời Hồ- Quỷ thúc Dương Quan Lân. Trong những giải đấu lớn trước đây, Hồ thắng Dương lão nhiều hơn là thua. Và lần này hai người gặp nhau, Hồ lại có lợi thế đi tiên, cơ hội thắng đương nhiên sẽ lớn hơn, hoặc giả muốn hòa cờ cũng không phải là vấn đề quá lớn. Bước vào cuộc chiến, Hồ tự tin dùng sở học của bản thân “phi tượng cục” để đối phó với Dương lão.

“Lại là phi tượng cục”, đây là bố cục bị nhiều nhân sỹ giới cờ cho là thắng ít thua nhiều, là bố cục bị động chịu đòn. Nhưng đối với bố cục này, Hồ lại có những kiến giải riêng, trải qua hơn 20 năm nghiên cứu, tìm tòi, giờ nó đã trở thành “trấn sơn pháp bảo” của Hồ. Dương lão đã từng dùng quãng thời gian 10 năm, lao tâm khổ tứ, nghiên cứu ra đương đầu pháo phá phi tượng cục, nhưng lại thường trúng phải mai phục của Hồ.

Đến lúc này, Dương lão lại sợ “trúng chiêu” của Hồ, nên đã không đi đương đầu pháo, mà lựa chọn nước đi tương đối vững chắc, đóng chặt cửa thành, gia tăng phòng thủ, mưu cầu một cục diện bình ổn. Hồ lại chưa từng muốn một đối cục vô vị, nhạt nhẽo, Hồ không chịu đựng được nữa, bèn đẩy mạnh thế công, lúc này Hồ đã vây khốn được 1 pháo của đối phương, hình thế đại ưu. Khi ấy Dương lão liên tục lắc đầu, trải qua hơn 20 phút suy nghĩ, ông vẫn luôn nghĩ rằng, cơ hội hòa cờ đã ngày một ít đi. Ngờ đâu, trong tình thế đó, Hồ lại đi một nược “cực kỳ yếu”, làm Dương lão có cơ hội phản công.

Hồ Vinh Hoa vốn nghĩ rằng đi con pháo ở bên cạnh tiểu tốt, nhưng ma xui quỷ khiến thế nào Hồ lại cầm con tốt xông lên, nước đó không cần vội, nhưng đã để cho “con pháo chết” của Dương lão trở thành “con pháo sống”, hơn nữa chỉ vài nước sau, Dương lão lại chém mất 1 mã của Hồ.
Trong hối hận Hồ đã bại ván đó. Vòng đầu tiên đã thua cờ, trong lịch sử kỳ chiến của Hồ chưa từng gặp phải, nếu theo kinh nghiệm trước đây, Hồ sẽ rất nhanh điều chỉnh tâm thái, khôi phục lại tinh thần, nhưng tình hình này không giống những lần trước. Tiếp theo là 3 ván hòa của Hồ. Vòng 5, là một thất bại ngoài dự liệu trước Hồ Viễn Mậu của Hồ bắc, vòng 6 Hồ mới có ván thắng đầu tiên. Nhưng vòng 6 và 7 lại là hai thất bại liên tiếp trước Lữ Khâm và Từ Thiên Lợi, cuối cùng Hồ bật ra khỏi nhóm 10 của giải và bị giáng xuống Ất tổ.

Trong các giải toàn quốc năm 1981 và 1982, Hồ lại 2 lần không thể đoạt được ngôi cao nhất, thế là có người chất vấn rằng: “phải chăng thời kỳ rực rỡ của Hồ Vinh Hoa đã vĩnh viễn qua đi”, cũng có người cao hứng nói rằng: “thời kỳ phi Hồ tất Dương đã qua rồi”

Hồ Vinh Hoa liên tục 3 lần mất đi ngôi quán quân, cuối cùng nguyên nhân là vì đâu? Trong bài ‘Hồ Vinh Hoa thất bại vì đâu” nhiều người đã phân tích rằng: “Đầu tiên, một nguyên nhân quan trọng là trình độ của các nhất lưu cao thủ đã được kéo xích lại gần nhau, đặc biệt là sự “đổ bộ” của một loạt kỳ thủ trẻ tuổi, bọn họ có sự táo bạo của tuổi trẻ, đem đến sự uy hiếp rất lớn đối với Hồ Vinh Hoa, Dương Quan Lân… Ngoài ra, cùng với sự phát triển của các hoạt động cờ, các tư liệu, tài liệu về cờ ngày càng nhiều. Sau mỗi giải đấu, các đối cục của Hồ Vinh Hoa lại trở thành đối tượng để mổ xẻ, phân tích trên khắp các mặt báo, đây là điều kiện rất tốt để mọi người nghiên cứu về kỳ nghệ của Hồ. Một điều tương phản là Hồ muốn nghiên cứu về người khác lại khó khăn hơn rất nhiều, vì tư liệu của các kỳ thủ khác không nhiều như tư liệu về Hồ. Từ đó có thể thấy, Hồ 3 lần liên tiếp thất bại, là ngẫu nhưng cũng lại là tất yếu.

“Một người không thể vĩnh viễn hùng cứ kỳ đàn, chức quán quân sớm muộn cũng sẽ mất đi, nhưng nó quá đột ngột. Đây là vì sao? Lẽ nào mình thật sự tuột dốc không phanh?” Bao nhiêu đêm mất ngủ, Hồ Vinh Hoa vẫn đau đáu đi tìm lời đáp. Đồng thời, Hồ cũng có được niềm an ủi, “chức quán quân mất đi, điều đó chứng tỏ cờ đang rất phát triển, phía sau đã có người kế cận, có càng nhiều người vượt qua mình càng tốt chứ sao, vì sao mình cứ phải “trầm lặng”, chỉ cần mình nỗ lực thì sợ gì gió to sóng lớn, nào cố lên, cố lên!”, nghĩ đến đây Hồ tự thề với lòng mình: “Thua cờ nhưng không thua khí, chức quán quân mất đi thì cố đoạt lại”.

KHÔI PHỤC HÙNG PHONG

Người, bỗng chốc đang từ đỉnh cao rơi xuống mặt đất, có lẽ là nỗi đau cực độ, thảm bại Lư sơn, 3 lần liên tục mất ngôi quán quân, nếu đổi là người khác vị tất đã chịu đựng được, nhưng Hồ Vinh Hoa thì khác, Hồ không những không để con tim nguội lạnh, ngược lại khát vọng chiến đấu trong Hồ ngày một mãnh liệt hơn.

Hồ Vinh Hoa tự thức tỉnh bản thân rằng, trong thời quần hùng cát cứ, muốn vượt qua người khác phải khôi phục niềm tin, cố gắng bội phần. Trong 3 năm, Hồ lao vào nghiên cứu, tìm tòi các bố cục, đặc biệt là bố cục phản cung mã đã chết cách đấy 30 năm. Để chiến thắng đối thủ, Hồ đã phân tích, nghiên cứu toàn bộ các đối thủ đã từng gặp trong giải toàn quốc, hơn nữa Hồ đã tự nhủ rằng: “dù là đối thủ đã từng thua mình 10 ván, 20 ván, nhưng đối phương nhất định có sở trường riêng, trong giao đấu nhất định không được khinh xuất.

Tháng 11 năm 1983, lúc này trời đã cuối thu bắt đầu sang đông, nhưng Xuân thành- Côn minh vẫn cứ rất náo nhiệt. Năm ấy giải cá nhân toàn quốc được tổ chức tại Côn minh. Trước giải có người hỏi Hồ rằng: “giải này ai sẽ là đối thủ lớn nhất của tiên sinh?” Hồ đã trả lời rằng: “là bất cứ người nào?”

Năm ấy Hồ Vinh Hoa đã 38 tuổi. Sau 3 năm khổ luyện, có lẽ Hồ đã chuẩn bị chuẩn bị rất kỳ càng cho giải. Tiến vào giải Hồ tràn đầy tự tin. Trải qua hơn 10 ngày giao chiến kịch liệt, cuối cùng Hồ với thành tích bất bại 8 thắng 5 hòa, đã lại một lần nữa lên ngôi cao nhất. Khi Hồ lên bục nhận giải, lúc quay xuống có đôi lời với mọi người, dường như nước mắt đã chảy ra nơi khóe mắt Hồ, phải chăng đó là những giọt nước mắt sung sướng hạnh phúc? Từ khi binh bại Lư sơn cho đến khi khôi phục hùng phong, Hồ Vinh Hoa đã hiểu ra rằng, một kỳ thủ ưu tú nhất định vĩnh viễn phải theo đuổi, vĩnh viễn phải tiến lên.

-Còn tiếp…-


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét