Tác giả: Ân Ba- Tạp chí kỳ nghệ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Tiếp theo...
Sự trưởng thành của Hồ Vinh Hoa là do thời thế tạo anh hùng, là do sự dạy dỗ, đùm bọc của rất nhiều các lão kỳ thủ
Thượng hải, cuối những năm 50 đầu những năm 60, là những ngày xuân của kỳ đàn Trung quốc, hoạt động “đả lôi đài” phát triển rất mạnh mẽ, có thể là nói là trước nay chưa từng có. Lúc này, không ít các cao thủ bản địa xuất hiện, mà đến tất cả cao thủ trên toàn quốc cũng thường tụ tập về đây, trở thành điều kiện rất tốt tạo nên bước tiến bộ trong kỳ nghệ của Hồ Vinh Hoa.
Một cao thủ của Thượng hải ngày ấy nhớ lại: “Ngày ấy, Hồ Vinh Hoa dường như ngày nào cũng xem cờ, chơi cờ, như là cá gặp nước. Tiểu Hồ khi ấy có cơ hội giao lưu, học hỏi với các cao thủ từ khắp nơi.
Cùng với con đường kỳ nghệ không ngừng được mở rộng, sự tiếp xúc của Hồ Vinh Hoa với nhân sỹ giới cờ cũng ngày càng mở rộng. Thế là có người bèn giới thiệu Hồ Vinh Hoa tới “Đắc ý trà lầu” chơi cờ.
“Đắc ý lầu” là nơi tập trung biểu diễn của đội cờ biểu diễn Thượng hải. Cao thủ phương xa cũng thường ghé thăm về đây. Dưới sự an bài của người kia, Hồ Vinh Hoa cũng thường tới đây chờ khách tới giao chiến. Một lần, có một danh thủ của Thượng hải, tên gọi Trần Xương Vinh đã chủ động nói với Vinh Hoa: “tôi bồi tiếp cậu một ván”
Ván ấy Hồ Vinh Hoa thắng, tin tức này được lan truyền rất nhanh trong giới cờ Thượng hải. Thông qua ván thắng ấy Vinh Hoa đã mở ra cảnh cửa lớn tiến vào hàng ngũ của cao thủ.
Trong thời gian ấy, có một nhân vật có can hệ rất lớn tới Hồ Vinh Hoa, mà chúng ta không thể không nhắc đến, người ấy chính là Từ Đại Khánh tiên sinh. Từ tiên sinh rất yêu thích và thường hay chỉ dạy Vinh Hoa. Ông cũng thường đưa Vinh Hoa đi “đại thế giới”, “công viên Chuẩn hải”, nơi tụ tập của các cao thủ để chơi cờ. Và trong quãng thời gian đó, Vinh Hoa đã được đánh với các cao thủ như Hà Thuận An, Chu Kiếm Thu, Từ Thiên Lợi, Lý Nghĩa Đình… làm cho kinh nghiệm thực chiến của Vinh Hoa tăng lên không ít.
Về sau không biết trải qua bao lâu, Hồ Vinh Hoa đã gia nhập lớp dạy cờ của cung thể thao Thượng hải. Đồng thời, cậu lại nhận được sự giúp đỡ và chỉ dạy nhiệt tâm của Hà Thuận An, Từ Thiên Lợi, Đồ Cảnh Minh… Làm cho sức cờ của cậu tăng tiến lên không ít.
Năm 1957, Thượng hải tổ chức giải cờ cho học sinh tiểu học, những biểu hiện của Vinh Hoa trong giải này, đã thu hút được sự chú ý của các lão kỳ thủ . Bọn họ nói: “đứa trẻ này chỉ cần chăm chỉ là có thể dạy dỗ, ngày sau tất làm nên đại nghiệp”.
Trong quãng thời gian ấy, Hồ Vinh Hoa thường ngồi đánh và thẩm cờ với Hà Thuận An, và thường đem các thắc mắc của cậu xin Hà lão sư chỉ dạy. Một lần, Vinh Hoa đang đánh cùng Hà lão sư, trong lúc đi cờ, Vinh Hoa đi một nước rất tùy tiện. Khi quân cờ đặt xuống bàn, Vinh Hoa mới phát hiện ra là một nước yếu. Có lẽ Vinh Hoa cho rằng, chỉ là đánh vui, bèn cầm quân cờ lên định đi lại.
Hà lão sư đang cười vui vẻ bỗng thay đổi sắc mặt, ông chỉ ngón tay vào chỗ Vinh Hoa vừa nhấc quân cờ lên và nói: “đặt nó vào chỗ này”. Vinh Hoa biết là Hồ lão sư không cho đi lại cờ, đành đặt quân cờ vào vị trí ban đầu đó.
Hà lão sư lại thay đổi sắc mặt, nhẹ nhàng nói với Hồ Vinh Hoa: “tiểu Hồ à, thua một ván chẳng hề gì, nhưng quân đã đi rồi mà cầm lên đi lại là không thể được. Con phải biết, khi đấu giải có điều quy định, mỗi nước đi trước tiên phải suy nghĩ chắc chắn, đã đi rồi là không được đi lại, nếu cứ đi lại thì đối với chuyện nâng cao kỳ nghệ chỉ có hại không có lợi chút nào”.
Một lời Hà lão sư nói ra làm Vinh Hoa tâm phục khẩu phục. Cậu tin tưởng: “trong lúc đánh cờ, quân đi rồi không được đi lại là một loại tác phong nghiêm ngặt, tất tạo nên trong lúc tập cờ, về sau tư tưởng đi cờ tùy tiện là vạn nhất không thể”.
Từ đó về sau, mỗi lần đánh cờ cùng người khác, Vinh Hoa đều rất chuyên tâm. Trước mỗi nước đi, cậu đều suy nghĩ rất chắc chắn, không dễ dàng đi cờ. Câu không chỉ nghĩ một cách đi, mà là hai ba, thậm chí bốn năm cách đi. Không còn là kiểu đi nước một, mà là sau khi đi một nước, trong đầu cầu đã xuất hiện 5,6 nước về sau, thậm chí là mười mấy nước về sau. Về sau, Vinh Hoa đánh cờ, suy nghĩ chắc chắn, đi quân chính xác một phần là nhờ quãng thời gian này.
Các lão kỳ thủ khi đánh cờ với Vinh Hoa đã đưa ra yêu cầu: “Mỗi lần đánh cờ với ai xong, phải biết ngồi bày lại ván đấu. Một lần, khi bày lại ván đấu được mười mấy nước, lão kỳ thủ nói: “sai rồi, nước vừa rồi sai rồi, rõ ràng là cậu không chuyên tâm trong lúc chơi cờ. Chỉ khi nào cậu bày lại ván đấu không sai nước nào, mới có thể thẩm cờ, tài năng kỳ nghệ mới không ngừng được nâng cao”.
Vinh Hoa đã nghiêm khắc làm theo yêu cầu của các lão kỳ thủ. Dù là lúc đi trên đường, lúc ăn cơm, trong đầu cậu cũng luôn xuất hiện những ván đã đánh. Cũng chính nhờ gian khổ luyện tập cờ tưởng như vậy, nên sức nhớ của cậu đạt tới mức kinh người, về sau cậu có thể chơi cờ mù với 14 người cùng lúc.
Con đường phía trước ngày càng mở rộng với Vinh Hoa. Năm 1958, báo cờ Thượng hải chính thức thành lập. ngày 6 tháng 1 năm 1959, Hồ Vinh Hoa chính thức gia nhập đội cờ Thượng hải. Từ đây bắt đầu mở ra con đường kỳ nghệ chuyên nghiệp của Vinh Hoa. Không lâu sau, báo cờ Thượng hải tổ chức một giải đấu cho tất cả các cao thủ của Thượng hải.Vinh Hoa đạt hạng 8, tiến nhập “bát cường” của thành phố Thượng hải. Sau đó, cung thể thao Thượng hải tổ chức đấu biểu diễn của nhóm “bát cường”. Trước khi đấu, giới thiệu về các kỳ thủ, một chữ “bát cường” được kéo ra, đứng trên khán đài. Khi giới thiệu đến Hồ Vinh Hoa, mọi người nhìn thấy một thằng bé đứng ở cuối hàng, tất cả đều giương ánh mắt khâm phuc về phía Vinh Hoa và một tràng vỗ tay như sấm vang lên.
Thàng 5 năm 1959, cậu đoạt hạng 7 trong giải đại hội thể dục thể thao lần 2 của Thượng hải. Mùa hè cùng năm, Dương Quan Lân, người mà Vinh Hoa sùng bái nhất tới Thượng hải giao lưu, nhờ có Hà lão sư, Dương đồng ý chỉ dạy Vinh Hoa hai ván nhượng tiên, kết quả mỗi bên thắng một ván, sau ván Dương liên tục tán thưởng cậu. Tháng 10 năm đó, trong giải mùa thu của thành phố Thượng hải đã chiến thắng Từ Thiên Lợi, chiến hòa Chu Kiếm Thu… và giành được hạng ba.
Tháng 6 năm 1960, Vinh Hoa tham gia giải giao hữu ngũ tỉnh ở Hàng châu. Tham gia giải có Vương Gia Lương- ba lần á quân toàn quốc, Lưu Ức Từ- hai lần quý quân toàn quốc và các danh thủ khác như Mạnh Lập Quốc… Nhưng Vinh Hoa với thắng tích bất bại 7 thắng 3 hòa, đã giành ngôi vô địch một cách hoàn toàn thuyết phục.
Trên con đường tiến về phía trước, Vinh Hoa luôn muốn vươn tới những mục tiêu cao đẹp, nhưng cậu khi ấy mới chỉ 15 tuổi, phải tranh đoạt với không biết bao nhiêu cao thủ, liệu cậu có thể làm nổi không? Vậy mà kỳ tích đã xuất hiện.
HOÀNH KHÔNG XUẤT THẾ
Từ tháng 10 đến tháng 11 năm 1960, giải cá nhân toàn quốc được tổ chức ở Bắc kinh. Lần đầu tiên thêm vào giải đồng đội toàn quốc, vì vậy các đội đều đưa đến giải bình hùng tướng mạnh của mình. Thượng hải tham chiến với ba thành viên Hà Thuận An, Từ Thiên Lợi và Hồ Vinh Hoa. Quảng đông là Dương Quan Lân, Sái Phúc Như, Trần Bá Tường. Ngoài ra còn có các đội khác như Hồ bắc với chủ tướng Lý Nghĩa Đình, Triết giang với chủ tướng Lưu Ức Từ … cũng rất có thực lực. Giải đấu kết thúc, Thượng hải đoạt ngôi vô địch đồng đội, trong đó Vinh Hoa ngồi ở bàn 2 đã lập công không ít.
Tiếp theo giải đồng đội là giải cá nhân. Các lộ anh hùng lại nổi lên, ai chẳng muốn tranh đoạt tòa bảo điện. Trước giải 3 người được đánh giá cao nhất là Dương Quan Lân, Lý Nghĩa Đinh, Vương Gia Lương. Hồ Vinh Hoa khi ấy mới 15 tuổi, chẳng có ai để ý tới.
Nhìn từ thực lực trước giải, đội Thượng hải đã không đặt ra mục tiêu vô địch cho Hồ Vinh Hoa, chỉ đặt ra mục tiêu lọt vào nhóm quốc thủ. Trước giải mọi người luôn giúp cậu đưa ra đối sách. Ván nào đấu với ai, nên đi thế nào, trình độ của đối thủ ra sao, mọi người còn giúp cậu phân tích, nghiên cứu, ngoài những biến thường gặp còn đưa ra các biến mới, ngoài ra cậu còn phải tìm hiểu kỹ về cờ của Dương Quan Lân, Lý Nghĩa Đình, Vương Gia Lương… để hiểu rõ ưu khuyết điểm của bọn họ, trước là biết mình biết mình, sau là đưa ra đối sách cho bản thân.
Ngày 27 tháng 10, giải cá nhân khai mạc ở nhà văn hóa lao động Bắc kinh. Tham gia giải là 10 người đứng đầu bàn 1, 6 người đứng đầu bàn 2, 4 người đứng đầu bàn 3 trong giải đầu đội, tổng cộng là 20 người, chia làm 10 vòng đấu.
Vòng 1, Hồ Vinh Hoa gặp “sát tượng năng thủ” Mạnh Lập Quốc. Vinh Hoa dùng “bình phong mã” chống lại ‘trung pháo quá hà xe” của Mạnh Lập Quốc, đây là một bố cục đối công kịch liệt, hai bết rất nhanh tiến vào giai đoạn công sát đoản binh tương kiến, Vinh Hoa lần đầu xuất chiến nên điếc không sợ sung, cậu lấy đa biến, linh hoạt chống lại thế công mãnh liệt của Mạnh, trải qua một hồi chém giết, giản hóa thế trận, hai bên tiến nhập vào giai đoạn tàn cục. Cuối cùng sau hơn 60 hiệp giao đấu, Vinh Hoa với xe pháo và quá hà tốt đã tạo thành thế tuyệt sát, bức Mạnh nhận thua.
-Còn tiếp…-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét