Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Kỳ đàn thần đồng Lý Nghĩa Đình (4)

Tác giả: Tiền Cương& Trương Úc Vỹ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Nhà xuất bản Thục Dung kỳ nghệ


Chương 1 Ngõ nhỏ xuất thần đồng

-Tiếp theo-


Trận đấu bắt đầu, ván đầu tiên Lý được cầm đỏ đi tiên, không ngần ngại Lý sử dụng bố cục trung pháo sở trường của mình, Dương cũng dùng sở trường bình sinh bình phong mã chống lại. Khai cục không lâu, khi Dương bình pháo mời đổi xe, Lý đánh ra nước bình ổn, chủ động tính xe, Lý không dám chọn phương đối công kịch liệt bình xe đè mã, bởi Lý sợ mình không thể khống chế nổi cục diện, suy cho cùng đối thủ là Dương Quan Lân lừng lẫy kỳ đàn cơ mà.

Tình xe làm Dương Quan Lân có cảm giác Lý đang ở thế yếu, cho nên trong cuộc chiến ở giai đoạn sau Dương đã đi nhiều nước khinh suất. Đầu tiên, khi Lý tấn trung binh, Dương đã không đi nước nước bổ trung pháo sắc bén nhất mà lại phi trung tượng; tiếp theo khi Lý nhảy bàn hà mã, Dương đã đi nước bình pháo nhắm tốt mà sau đó làm Dương hối hận vô cùng. Đây là một nước bẫy hư trương thanh thế, nhìn như muốn đánh xe nhưng lại có thể nổ tượng. Lúc này, Lý đã hoàn toàn chìm đắm trong những ảo diệu của ván cờ, cảm giác khẩn trương lúc đầu không biết đã tan biến tự lúc nào. Lý trải qua xem xét cục diện cẩn thận, đã xuất ra chiêu hồi mã kim thương nằm ngoài dự liệu của Dương, một chiêu phế tượng đã thể hiện sự đảm lược của Lý. Về sau, Lý nắm chắc chiến cơ, liên tục xuất ra diệu thủ, đặc biệt lại lần nữa sử dụng diệu thủ hồi mã kim thương, vây bức đại xe của Dương ở trong góc, từ đó Lý chẳng còn phải úy kỵ gì, thoải mái dốc toàn lực tấn công. Mắt nhìn thấy ba quân của Lý sắp phá được thành trì, Dương chẳng biết làm gì hơn ngoài buông cờ nhận thua.

Kết quả này làm mọi người vô cùng kinh ngạc, nơi đây bỗng chốc huyên náo lạ thường, mọi người bắt đầu nhìn thằng bé tới từ Vũ hán với con mắt khác. Nhưng, khi ấy đại đa số mọi người đều cho rằng, Dương thua chẳng qua chỉ vì khinh suất, ván hai nhất định Dương sẽ thắng, vì khi ấy địa vị của Dương như mặt trời chính nhật, còn chưa có ai có thể thắng Dương liên tiếp hai ván.

Thua ván đầu, trong lòng Dương cũng có chút lăn tăn, nhưng Dương vẫn cho rằng mình thua vì quá coi thường Lý, Dương nghĩ chỉ cần mình lấy lại tinh thần, dựa vào công lực của bản thân, thêm vào đó là lợi thế đi tiên, nhất định sẽ đòi lại được những gì đã mất.

Ván hai bắt đầu, Dương cũng dùng trung pháo, Lý đã dùng bình phong mã tả pháo phong xe chống lại. Lý vì đã thắng ván đầu, có chút vốn liếng, nên trong lòng rất thoải mái, vì thế Lý luốn tìm cơ hội tính quân để giản thế cục diện, làm Dương chẳng cách gì ra đòn. Đối sách của Lý thành công, sau một hồi đổi quân, quân chiến của hai bên chỉ còn xe mã, đại thế đã hình thành thế hòa. Nhưng Dương làm sao có thể để hòa, vì thế ra sức cưỡng cờ. Dương đâu ngờ rằng, công phu tàn cục của Lý cũng rất thâm hậu, nhất thời sơ hở Dương lại để Lý kích bại ván thứ hai.

Sau trận đấu, mọi người nhao nhao bàn luận, không ai có thể tin nổi Dương lại bại về tay một đứa trẻ vô danh. Phải biết rằng, trong hơn 120 ngày ở đất Thượng hải bày lôi đài ứng chiến các lộ anh hùng, trong hơn 800 ván đấu đã qua, dường như Dương chưa từng bị kích bại, không thể ngờ được rằng trong đêm cuối cùng ở đất Thượng hải lại gặp cảnh thảm hại tới vậy.

Các kỳ hữu Thượng hải vì những thể hiện vô cùng xuất sắc của Lý ngày hôm nay mà rất vui mừng. Bọn họ nhao nhao chúc mừng La Thiên Dương đã đào tạo ra một “kỳ đàn thần đồng” tiền đồ vô lượng như vậy. Nhìn Lý Nghĩa Đình, La vui mừng ra mắt, bởi La cũng không thể ngờ được rằng, đồ đệ của mình có thể liên tục kích bại Dương hai ván.

Và Dương không thể chấp nhận thực tế phũ phàng này được, trở về nhà trọ, Dương thẩm đi thẩm lại hai ván ấy, và đành phải thừa nhận rằng, kỳ nghệ của Lý Nghĩa Đình quả thực đã đạt tới cảnh giới của nhất lưu cao thủ, nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng Dương quyết định hủy chuyến về quê, ở lại giao đấu cùng Lý một lần nữa.

8. Dương Quan Lân báo hận

Ngày hôm sau, Dương Quan Lân tìm gặp Đổng Văn Uyên để nói về ý định của mình. Đổng vừa nghe xong đã cảm thấy khó khăn vô cùng. Bởi kỳ thủ khi ấy có thể thắng Dương Quan Lân hai ván, quả thật là huy hoàng một đời, Lý Nghĩa Đình hoàn toàn có thể không đấu tiếp với Dương để bảo toàn chiến tích. Huống hồ, dù Lý đồng ý ứng chiến, chưa chắc La Thiên Dương đã đồng ý. Nhưng Dương Quan Lân lại là người Đổng không thể đắc tội, bởi cứ dựa vào tính khí của Dương, nếu làm không tốt, năm sau chưa chắc Dương đã nhận lời mời của Đại tân công ty, khi ấy Đại tân công ty tổn thất không hề nhỏ.

Không biết làm thế nào, Đổng Văn Uyên đành tìm giám đốc của Đại tân công ty cầu cứu. Giám đốc là người Quảng đông, đương nhiên là muốn gỡ lại thể diện cho Dương, hơn nữa, Dương Quan Lân tái chiến Lý Nghĩa Đình sẽ giúp Đại tân công ty kiếm được một món không hề nhỏ, chuyện lợi như thế nhất định phải làm. Thế là hai người bàn mưu tính kế, cuối cùng bọn họ nghĩ ra một diệu kế có thể mời được Lý Nghĩa Đình ra ứng chiến.

Đổng Văn Uyên lại tìm La Thiên Dương, đầu tiên Đổng ra sức đề cao Lý, nhân dịp La Thiên Dương đang vui mừng, đột nhiên Đổng nói: “ngày mai, tôi muốn bố trí cho Lý một trận đấu”

“Với ai?” La Thiên Dương thắc mắc

“Với tôi có được không?

La Thiên Dương nào biết trong đó còn có uẩn khúc, nghĩ tới Lý vừa được rèn cờ, vừa có thêm thu nhập, chuyện tốt như vậy đương nhiên không thể từ chối, vì thế Dương không do dự đồng ý ngay.

Nhưng, tới trưa ngày hôm sau, có một kỳ hữu tới tìm La Thiên Dương, nói vì sao tối nay Lý Nghĩa Đình lại ứng chiến Dương Quan Lân. La Thiên Dương khi ấy mới giật mình hỏi, có gì nhầm lẫn không vậy, tối hôm qua rõ ràng đã nói sẽ đấu với Đổng Văn Uyên cơ mà. Người kia nói, không sai đâu, trên các mặt báo đều nói như vậy. Lý Nghĩa Đình vội vàng tìm báo xem, quả nhiên đều ghi trận chiến tối nay tại Du lạc trường là giữa Dương Quan Lân và Lý Nghĩa Đình.

Lúc ấy, La Thiên Dương vô cùng tức giận, vội vàng cho người đi gọi Đổng Văn Uyên tới. Một hồi lâu, Đổng Văn Uyên mồ hôi nhễ nhại chạy tới, vừa thấy La Thiên Dương, Đổng đã lớn tiếng kêu oan, ra sức giải thích là các báo đã in nhầm, làm Đổng bây giờ cũng rất khó xử. La Thiên Dương chất vấn phải chăng là Đại tân công ty đã cố tình “chơi xấu”, Đổng đương nhiên là chối bay chối biến. Giải thích hồi lâu, Đổng thấy La đã bớt giận, bèn bắt đầu khẩn cầu La cứu mình, sai đã sai rồi vậy hãy cứ để Lý đấu với Dương, nếu không thì lần này Đổng không biết phải giải thích sao với ông chủ và Dương. Thấy chuyện đã như vậy, lại thấy dáng vẻ đáng thương của Đổng Văn Uyên, La cũng không nỡ nói thêm gì, đành phải gật đầu đồng ý. Đổng Văn Uyên thấy diệu kế mình khổ tâm suy nghĩ cuối cùng đã có thành quả, vội vàng cáo biệt thầy trò La Thiên Dương.

Đổng Văn Uyên vừa đi, các bạn hữu đã nhao nhao khuyên La đừng để Lý tham gia cuộc chiến tối nay. Vì trong con mắt bọn họ, nhân phẩm, kỳ đức của Đổng trước nay không được tốt, chuyện này nhất định là do Đổng bày ra. Có người nói: “tiểu Đổng rất âm độc, hôm nay lại lừa ông, lần này ông hãy cho hắn một bài học đi. Có người lại bảo: “có thể thắng được lão Dương hai ván liên tục quả thật rất khó khăn, tốt nhất tối nay đừng cho Lý đấu nữa, có gì thì năm sau hãy tính”.

La Thiên Dương không phải là không biết Đổng Văn Uyên là người như thế nào, nhưng La cũng có cách nghĩ của mình, đồi diện với các lời khuyên giải của bạn hữu, La từ tốn đáp: “tôi phải thành toàn cho Đổng, bởi tôi còn nợ Đổng một món ân tình, vừa rồi mọi người cũng đã thấy tôi trách mắng Đổng, âu đó cũng coi là bài học cho Đổng. Nghĩa Đình đang còn trẻ, nên giao chiến nhiều, có thể tái chiến với Dương Quan Lân cũng là một cơ hội cho nó rèn luyện”.

Đối với mọi chuyện xảy ra trước cuộc chiến, Dương Quan Lân hoàn toàn không hay biết. Cả ngày, Dương đóng cửa trong phòng ngồi thẩm cờ, chuẩn bị cho trận ác chiến tối nay. Trận chiến này, đối với Dương vô cùng quan trọng, trước đây Dương vẫn là lôi đài chủ, ngồi đã hơn bốn tháng, bây giờ lại phải đoạt lại tư cách đài chủ từ trong tay một thằng bé mười sáu tuổi. Trận chiến này nhất định phải thắng.

Màn đêm buông xuống, dù tiền vé ngày hôm nay đã tăng lên 5 phân tiền, nhưng khán đài đã không còn một chỗ trống. Ai cũng không muốn bỏ lỡ cơn náo nhiệt này.
Trở lại ngồi đối diện với Dương Quan Lân, tâm trạng Lý Nghĩa Đình thật khó diễn tả. Lần trước Lý chỉ là một kẻ khiêu chiến vô danh, nhưng lần này Lý đã là đài chủ ngồi ứng chiến sự công đài của người khác. Trải nghiệm như vậy, là lần đầu tiên Lý gặp trên con đường học cờ của mình, rõ ràng Lý còn thiếu một chút kinh nghiệm.

Lần giao chiến này, ván đầu Dương được đi tiên, nhằm tránh bố cục thông thạo, Dương bèn sử dụng bố cục mới trung pháo chậm khai xe thất lộ mã. Quả nhiên chiêu này nằm ngoài dự liệu của Lý. Vốn Lý muốn dùng bình phong mã, nay đành phải chuyển sang quải giác mã, hơn nữa xuất tả xe cũng mất nước, vì thế đương nhiên Lý gặp bất lợi. Dương quả nhiên rất lão luyện, khi Lý Nghĩa Đình tiến tốt qua hà phản kích, Dương dường như nhìn nhưng không thấy và xuất ra chiến pháp cao chiên ông đánh ông, tôi đánh tôi, từ đó khống chế được cục diện. Giai đoạn trung cục Dương phế xe phá pháo, nhất cử phá được phòng tuyến của Lý, về sau lại to gan phế mã đổi lấy ưu thế tuyệt đối không đầu pháo, cuối cùng với xe song pháo đã tạo được sát cục.

Thua ván đầu, Lý có chút mất bình tĩnh, Ván hai, Lý cũng vào trung pháo. Lần này Dương đổi lại dùng thuận pháo. Mới bắt đầu hai bên đã chém giết kịch liệt, Lý nhẹ nhàng phế tượng, cuối cùng tạo được hình cờ xe mã song tốt đơn sỹ đối xe pháo sỹ tượng toàn. Có chút ưu thế, Lý ra sức cầu công, lúc này Dương Quan Lân một thể hiện phong thái của một “tàn cục thánh thủ”, nhẹ nhàng hóa giải mọi thế công của Dương, hơn nữa lại kỹ diệu tạo thành sát pháp

Lý thua liên tiếp hai ván, không tránh khỏi làm một số kỳ hữu thất vọng, nhưng Lý Nghĩa Đình có thể có thành tích hai thắng hai thua trước Dương, và đã có những thể hiện rất xuất sắc vẫn làm cho mọi người đánh giá rất cao Lý. Sau trận đấu, Dương mới có thể thở phào nhẹ nhõm, cảm giác đã có thể mua vé trở về Quảng châu. Hai lần kịch chiến với Lý Nghĩa Đình đã để lại trong Dương một tượng khó quên, về sau trong quyển “kỳ quốc tranh hùng lục” Dương đã viết rằng: “Lý Nghĩa Đình quả là thiên tài chơi cờ, nhưng còn thiếu chút hỏa hầu, nếu ra sức khổ luyện, tương lai không biết sẽ tiến như thế nào”

-Hết chương một, mời các bạn đón đọc chương hai: “ngôi sao mới trên kỳ đàn”-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét