Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Kỳ đàn thần đồng Lý Nghĩa Đình (5)

Tác giả: Tiền Cương& Trương Úc Vỹ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Nhà xuất bản Thục Dung kỳ nghệ


Chương 2: Ngôi sao mới trên kỳ đàn

1. Giao chiến Quảng châu và Thượng hải.

Sau khi Lý Nghĩa Đình và Dương Quan Lân hòa nhau ở Đại tân Du lạc trường thì tiếng tăm nổi lên như cồn, giá của Lý lúc này cũng tăng lên theo. Người chủ động tìm đến liên hệ biểu diễn cũng không ngớt. Thượng tuần tháng 9, Lý ở Đồng vũ xuân trà lầu trên đường Nam kinh bày lôi đài, danh tướng Từ Đại Khánh của Thanh niên kỳ hội Thượng hải có nói với La Thiên Dương rằng: “trước đây thất tỉnh kỳ vương Chu Đức Dụ ở Ninh ba trạng nguyên lầu, ván đầu tiên từng bị Hà Thuận An kích bại, năm 1949 Hà Thuận An ở Lăng vân các trà lầu đã bị mãnh tướng Trần Vinh Đường kích bại, năm 1951 Dương Quan Lân lần đầu tiên tới Thượng hải, tại cung văn hóa công nhân từng thất bại trước kỳ thủ công nhân Tống Nghĩa Sơn. Xem ra, chỗ của đài chủ cũng không dễ dàng ngồi. La Thiên Dương nghe xong chỉ gật đầu không nói, nhưng trong lòng cũng có chút lo lắng, bất an.
May mà, Lý Nghĩa Đình đã không làm La phải thất vọng. Lý không chỉ đẩy lui sự khiêu chiến của ‘song thương tướng” Đậu Quốc Trụ và các danh tướng khác, mà đến những nhân vật đỉnh đỉnh đại danh của giới cờ Thượng hải như Hà Thuận An, Chu Kiếm Thu cũng không đả bại được Lý. Lý giữ vững hùng phong của đài chủ, đồng thời cũng cố thêm địa vị của mình trên kỳ đàn.

Năm nay, lần đầu tiên Lý Nghĩa Đình xuất chinh Thượng hải nhưng đã gây tiếng vang lớn trên kỳ đàn, tin tức truyền về Vũ hán, nhân sỹ giới cờ ở đây vui mừng, hớn hở, mọi người dự cảm rằng từ đây một ngôi sao lớn của kỳ đàn đã ra đời. Đợi Lý Nghĩa Đình vinh quy trở về từ Thượng hải, trong mắt mọi người ở đây, Lý đã không còn là “tiểu thần đồng” thuở ban đầu mà đã là “đại nhân vật”, rất nhiều doanh nghiệp, cung văn hóa, trung tâm giải trí dồn dập mời Lý tới biểu diễn, cuộc sống của Lý bỗng chốc trở nên sung túc, đầy đủ. Khi ấy, hoạt động cờ tướng ở các cung văn hóa của Thượng hải rất phát triển, cứ mỗi dịp có lễ hội đều mời và bố trí các danh thủ tới đấu biểu diễn, và trong những trận biểu diễn ấy, mọi người tới ngày càng nhiều, hoặc để thưởng cờ hoặc để nhìn tận mắt con người Lý Nghĩa Đình. Giờ đây, phí “xe mã” của Lý đã là ba tệ mỗi lần biểu diễn. Lý từ nhỏ đã nếm trải cuộc sống gian khổ, vì thế tiền Lý kiếm được đều đưa cả cho bố mẹ, để trang trải cuộc sống gia đình. Dần dần, Lý đã trở thành trụ cột của gia đình.

Nói về Dương Quan Lân, sau khi trở về Quảng châu vẫn không thể nào quên được bốn ván giao đấu với Lý Nghĩa Đình, trong lòng vẫn mong muốn lại sẽ có lần phân cao thấp cũng Lý. Thế là, tết nguyên đán 1955 vừa qua, Dương bèn viết thư cho Lý, mời Lý và La Thiên Dương nam hạ Quảng châu, tiến hành giao lưu kỳ nghệ giữa Quảng châu và Vũ hán. Lần xuất chinh của La, Lý lần này, mọi chi phí của hai người đều do phía Quảng châu đài thọ, địa điểm giao lưu lần này là tại Cung văn hóa Lĩnh nam Quảng châu.

Lần này, trận giao đấu giữa Quảng châu và Vũ hán được chia làm 2 giai đoạn. Đây cũng là để thể hiện đặc điểm của kỳ thành Quảng châu - binh hùng tướng mạnh. Giai đoạn 1, lâm trận chính là “lão thiên vương” Lư Huy và “danh tướng mới nổi” Chu Kiếm Thu, bọn họ giao đấu 4 ván, kết quả Lý đại triển thân thủ, chiến thắng cả hai danh tướng của chủ nhà.

Giai đoạn 2 hai bên giao đấu 10 ván, trong đó Lý 3 thắng, 1 thua, 2 hòa trước Trần Tùng Thuận, nhưng lại 2 thua, 3 hòa trước Dương Quan Lân. Qua lần giao đấu này, Lý nhận ra rằng, nội lực của mình so với Dương Quan Lân vẫn còn có một khoảng cách nhất định.

Thấm thoát lại đã tới đầu hè, nhớ lại hè năm ngoái, trong hơn một tháng rơi vào tình cảnh không có tư cách công đài, mà giờ đây Lý đã hoàn toàn khác xưa, thư mời của Thượng hải đã tới từ lâu, hai sư đồ La - Lý lại chuẩn bị hành lý, xuôi dòng tới Thượng hải. Ở Thượng hải vài tháng, giờ đã sắp tới mùa đông, hoạt động biểu diễn kỳ nghệ công khai cũng sắp đi vào lúc kết thúc, hai sư đồ mới quyết định rời Thượng hải. Lúc này, một đồ đệ của La ở Tô châu có thư tới, nói giới cờ Tô châu muốn mời hai người tới đây giao lưu kỳ nghệ. Vậy là, hai sư đồ lại ghé giao đấu ở Tô châu. Ở Tô châu, hai sư đồ thay nhau tiếp chiến cao thủ nơi đây, nhưng dường như khoảng cách giữa hai sư đồ với giới cờ Tô châu vẫn có một khoảng cách nhất định, vì thế để tăng thêm phần hấp dẫn, giới cờ Tô châu đưa ra ý kiến tổ chức trận giao đấu giữa hai sư đồ. Trong quá khứ, hai sư đồ chưa từng giao đấu công khai, bố trí như vậy, nhà tổ chức lo ngại rằng La Thiên Dương sẽ nghĩ ngợi linh tinh, bèn vội vã đi gặp La để hỏi ý kiến, họ không thể ngờ rằng, vừa nghe xong La đã rất vui vẻ mà trả lời: “mọi chuyện tôi xin nghe theo sự sắp xếp của chủ nhà”.

Trận giao đấu giữa hai sư đồ La - Lý quả nhiên thu hút được nhiều người, đã không còn một chỗ trống nơi trà lầu tổ chức trận đấu. Hai người phân tiên hậu, giao đấu hai ván, kết quả đồ đệ với một thắng, một hòa đã kích bại sư phụ. Nói ra, hai ván cờ này rất đáng trân trọng, vô cùng có ý nghĩa kỷ niệm, vì đây là đối cục duy nhất trong đời hai sư đồ bọn họ.

2. Được và mất

Bước chân lịch sử bước đến năm 1956. Đối với nhiều người mà nói, đây là một năm bình thường, cũng là một năm dễ dàng quên đi, nhưng năm ấy trong lịch sử phát triển của cờ tướng Trung hoa lại là một năm có ý nghĩa khai thiên lập địa. Đầu năm ấy, Ủy ban thể thao quốc gia đã đưa cờ tướng trở thành hạng mục thi đấu chính thức trong các cuộc thi đấu thể thao, và cũng quyết định cuối năm ấy sẽ tổ chức giải cờ tướng toàn quốc lần đầu tiên. Đây là chuyện vui kinh thiên động địa đối với giới cờ cả nước. Phải biết rằng, tổ chức giải đấu mang tính toàn quốc, thì trong ngàn năm trường lịch sử cờ tướng chưa từng có. Cờ tướng dù nói là bảo ngọc của văn hóa Trung hoa, kể từ ngày nó được sinh ra dù nhận được sự yêu thích của bách tính, lê dân thì nó vẫn mãi chỉ là một trò chơi trong dân gian. Trước đây, dù đã xuất hiện rất nhiều các mỹ hiệu “quốc thủ”, “kỳ thánh”, “kỳ vương” nhưng đó chỉ là do giới cờ tự phong, mỗi người bọn họ chẳng qua chỉ là cao thủ hùng cứ một phương mà thôi. Tính uy quyền, uy nghiêm mãi mãi vẫn chưa đủ.

Cao thủ khắp nơi, ráo riết luyện tập, chuẩn bị cho ngày hội lớn. Lý Nghĩa Đình cũng không phải một ngoại lệ. Lý xem chuyến đi Thượng hải bày lôi đài là hoạt động ứng chiến quan trọng nhất. Trong năm này, thành tích của Lý ở Thượng hải đặc biệt tốt, ngoài đại chiến Hà Thuận An 10 ván với 3 thắng, 3 thua và 4 hòa, thì đều giành thắng lợi trước các cao thủ còn lại. Đấu 8 ván với Chu Kiếm Thu thì giành 5 thắng, 1 thua, 2 hòa. Với các cao thủ như Từ Đại Khánh, Tạ Văn Tuấn thì phi thắng tất hòa. Tổng hợp thành tích đối đầu với các cao thủ từ khi Lý xuất đạo, ngoại trừ Dương Quan Lân là Lý thất thế, các cao thủ khác Lý đều chiếm thế thượng phong.


Vào giữa hè, kỳ thủ tiền bối Phương Chiêu Khâm của Hồ bắc rời Thượng hải về quê hương Hán khẩu, Lý đưa Phương ra tới bến thuyền. Thời kỳ sau những năm 40 của thế kỷ 20, Phương Chiêu Khâm từ Hồng kông trở về quê nhà, lâu nay Phương vẫn sinh sống ở Thượng hải, nhưng đối với những trận chiến kỳ nghệ công khai, Phương rất ít khi xuất hiện. Lần Phương rời Thượng hải này là do La Thiên Dương đã nhiều lần có thư tới, mời Phương về Hồ bắc tham gia công tác chỉnh lý, biên soạn tư liệu kỳ phổ. La Thiên Dương chính là người bình sinh Phương khâm phục nhất. Biên tập, chỉnh lý kỳ thư là việc mà trước đây Phương đã từng giúp Chu Đức Dụ ở Hương cảng, bây giờ đương nhiên Phương đồng ý lời mời của La.
Khi chia tay, Phương nói với Lý Nghĩa Đình: “Sau mùa thu chúng ta tạm biệt ở Hán khẩu, và qua một tháng, thành tích của cậu đặc biệt tốt, ngoài Hà Thuận An, những người khác giao đấu với cậu đều không hạ được cậu, vì thế có lẽ cậu sẽ có chút tự mãn, đây cũng là chuyện bình thường của con người, tôi cũng không trách gì cậu. Nhưng nếu tự mãn quá sẽ giết chết cậu. Đừng quên ở Quảng châu vẫn còn có Dương Quan Lân. Kỳ nghệ của Dương lúc này đang ở thời kỳ sung mãn nhất. Còn nhớ năm 1949 Dương đăng đài ở Hồng kông còn có chút dáng vẻ e sợ, cậu là người mới, điếc không sợ súng, nhưng tinh thần nghiên cứu của Dương Quan Lân quả thật rất tốt, đây quả là tấm gương đáng để noi theo. Còn nữa, công phu nội lực của cậu hiện giờ chưa đủ, đặc biệt sau khi thua ván đầu tiên, cậu không thể giữ được bình tĩnh. Ví dụ, gần đây ván đấu của cậu với Đậu Quốc Trụ, ván thứ hai vừa bắt đầu cậu đánh rất gấp. Sau khi tính quân ở Trung cục, cậu quả thật đã chiếm ưu, nhưng cậu quá háo thắng, bất chấp nguy hiểm, bị Đậu “bật” lại, dần dần rơi vào thế nguy hiểm, nếu ván ấy Đậu mà tiến một nước tốt, liệu cậu có thể vãn hồi được không? Cuối cùng từ ván thắng cậu chuyển sang thế cầu hòa. Vì thế cậu nên biết điều chỉnh tâm thái. Mấy lời này của tôi, cậu hãy nhớ lấy”

Nghe xong những lời ấy của Phương, Lý dù liên tiếp gật đầu, nhưng trong lòng lại hoàn toàn không cho là đúng. Đáng tiếc, đấy là những lời rất có ích, những ngày sau này đã được Lý kiểm chứng.

Để tham gia giải toàn quốc, từ tháng 11 đến tháng 12 thành phố Vũ hán tổ chức giải tuyển chọn kỳ thủ, dù vô số danh tướng tham chiến, nhưng Lý đã không phụ lòng mong mỏi của mọi người, giành ngôi quán quân và đương nhiên cũng đoạt luôn tư cách tham gia giải toàn quốc.

Từ ngày 15 đến ngày 27 tháng 12 năm 1956, cuối cùng giải cá nhân toàn quốc cũng diễn ra tại Bắc kinh. Tham gia giải lần này có 30 kỳ thủ tới từ 30 tỉnh thành trên khắp cả nước. Mỗi một tỉnh thành chỉ cử một kỳ thủ, có thể thấy thực lực của các kỳ thủ rất mạnh. Ban trọng tài cũng toàn là những người tiếng tăm: Tạ Hiệp Tốn, Bành Thuật Thành (người này được mệnh danh là “tây bắc kỳ thánh”, hi vọng sẽ có dịp gửi tới các bạn những mẫu chuyện về người này), Lâm Dịch Tiên, Trần Tùng Thuận, Tạ Tiểu Nhiên, Trương Đức Quỷ…

Do lần đầu tổ chức giải, mọi người đều không có kinh nghiệm, rất nhiều chuyện phải mò mẫm, như cách đặt giờ thi đấu, khi ấy quy định, mỗi ván cờ mỗi người được dùng không quá hai phút cho một nước đi, còn có quy định thời gian cho mỗi ván là ba mươi phút, vì thế mỗi bàn đấu phải có một người ngồi bấm giờ rất tốn nhân lực, còn làm cho kỳ thủ cảm thấy không thoải mái.

Lúc này Lý Nghĩa Đình mới 18 tuổi, là người nhỏ tuổi nhất tham gia giải. Toàn giải chia làm ba giai đoạn: sơ, hạ và vòng knock out, áp dụng đấu vòng tròn phân tiên hậu. Vòng sơ đấu, chia làm 6 tổ, lấy hai người đứng đầu mỗi tổ.

-Còn tiếp-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét