Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Kỳ đàn thần đồng Lý Nghĩa Đình (3)

Tác giả: Tiền Cương& Trương Úc Vỹ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Nhà xuất bản Thục Dung kỳ nghệ


Chương 1 Ngõ nhỏ xuất thần đồng

-Tiếp theo-


Lần đầu ngồi trên chiếc thuyền lớn vậy, đối với thứ gì Lý Nghĩa Đình cũng cảm thấy rất hiếu kỳ, và điều làm Lý hài lòng nhất đó là khẩu phần ăn trên thuyền. Mỗi bữa ăn chỉ cần 3 hào tiền, là có thể có được một bữa ngon tuyệt, và hơn nữa lại có chất tanh, cảm thấy ngon hơn rất nhiều so với ăn ở nhà.

Một buổi chiều vài ngày sau, cuối cùng thuyền cũng cập bến Thượng hải. Lý Nghĩa Đình cõng theo chiếc hòm nhỏ, theo đoàn người bước lên bờ, lúc đó trong lòng Lý vô cùng bối rối, bởi Lý chẳng biết mình phải đi về đâu. Kéo một vài người đứng lại hỏi thăm, hỏi họ đường đến Lăng Vân Các trên đường Hoài Hải. Có thể là bọn họ không biết nơi này, cũng có thể là do ngôn ngữ bất đồng và Lý chỉ nhận được cái lắc đầu của bọn họ. Đột nhiên, Lý nghĩ tới mảnh giấy mà bố đưa cho lúc lên đường, trên đó có ghi địa chỉ của La tiên sinh ở Thượng Hải, bèn vội vàng lấy ra, và hỏi một người trung niên qua đường. Người ấy vừa nhìn tờ giấy, lập tức chỉ cho Lý, từ bến cảng ngồi mấy tuyến xe điện, xuống xe là tới nơi. Cứ theo lời chỉ dẫn, Lý quả nhiên đã tìm được nơi cần đến- trà lầu Lăng Vân Các. Lúc ấy, trời cũng bắt đầu tối.

La tiên sinh lại không có ở trà lầu, nhưng hiển nhiên đối với chuyện này tiên sinh đã có dặn dò trước. Vì Lý Nghĩa Đình vừa bước vào trà lầu, ông chủ liền bước qua chào hỏi, và nói cho Lý biết La Thiên Dương đã đi biểu diễn ở Thanh Niên Hội của Đại Thế Giới. Lý Nghĩa Đình vừa nghe, lập tức tinh thần phấn chấn, vội hỏi Đại Thế Giới là nơi nào, cất hành lý và vội vàng đi Đại Thế Giới.

Đại Thế Giới cách Lăng Vân Các không xa, Lý dễ dàng tìm được nó. Đại Thế Giới nằm trên đường Tây Tàng, sự một tòa nhà đồ sộ, và là nơi vui chơi giải trí nổi tiếng nhất của Thượng Hải thời bấy giờ. Lôi đài Thanh Niên Hội trên sân thượng của tòa nhà. Lý mất 2 hào 5 phân tiền để mua vé vào cửa. Bước vào thấy La tiên sinh đang đả lôi đài, thế là Lý lặng lẽ đứng sang một bên xem đánh cờ. Đợi La tiên sinh biểu diễn xong, Lý bước lại nhẹ nhàng nói với La tiên sinh: “tiên sinh, con đã tới”. La Thiên Dương thấy Lý Nghĩa Đình đã tới, vui mừng vô cùng: “mau tới đâu nào, mau, mau, trước tiên xem cờ vài ngày đã, ta sẽ bảo bọn họ bố trí cho con được biểu diễn”.

Và buổi tối ngày hôm đó, Lý Nghĩa Đình lần thứ hai nhìn thấy Trần Tùng Thuận, Tăng Ích Khiêm, và hơn nữa lại làm quen với các danh thủ như Chu Kiếm Thu, Hà Thuận An, Đồ Cảnh Minh của Thượng Hải, Mã Quốc Lương, Mã Khoan của Thiên Tân.

Thượng Hải những năm 50, cờ tướng vô cùng phát triển, đây là nơi ngọa hổ tàng long của kỳ giới. Và cứ mỗi khi tới mùa hè, cao thủ các nơi lại tụ tập về đây, hoặc bày lôi đài, hoặc đả lôi đài, hi vọng có thể tạo được sự nghiệp, công danh. Khi ấy, Thượng Hải có 2 lôi đài hoạt động sôi nổi nhất, một là lôi đài Thanh Niên Hội do Trần Tùng Thuận làm đài chủ, Hà Thuận An và Chu Kiếm Thu làm phó đài chủ, lôi đài kia là lôi đài Đại Tân Công Ty do Dương Quan Lân làm đài chủ, Hàng Châu Đổng Văn Uyên và Bắc Kinh Hầu Ngọc Sơn là phó đài chủ. Các công việc hàng ngày của lôi đài Thanh Niên Hội- Đại Thế Giới đều do Chu Kiếm Thu giải quyết, Lý Nghĩa Đình mấy hôm đầu khi vào xem cờ đều phải mất tiền mua vé, sau nhờ La Thiên Dương xin Chu Kiếm Thu giúp đỡ, Lý mới có thẻ ra vào, từ đó có thể ra vào tự do xem cờ. Vì vào Đại Tân Công Ty phải mất tiền mua vé, cho nên Lý rất ít tới nơi đó, hoạt động chủ yếu vẫn là ở Đại Thế Giới.
Kỳ thủ tham gia công đài, chỉ cần được bố trí thứ tự là có thể chơi cờ, mỗi lần chơi hai ván, bất luận thắng thua, căn cứ vào trình độ cao thấp của kỳ thủ, danh nghĩa là lấy “phí xe mã”, phân đẳng cấp trả tiền. La Thiên Dương là giấp cấp kỳ thủ, nên được trả “phí xe mã” loại cao nhất- 12 tệ. Dựa vào danh tiếng và kỳ nghệ của La, mỗi tháng Thanh Niên Hội bố trí 8 lần chơi, có khi La lại tới Đại Tân Công Ty biểu diễn đôi lần, cho nên thu nhập một mùa hè của La là rất khả quan.

Lý Nghĩa Đình tới Thượng Hải, vốn dĩ ôm theo hùng tâm tráng chí đả lôi đài, nhưng hoàn toàn không ngờ phát sinh tình huống ngoài dự liệu, Lý căn bản hoàn toàn không có cơ hội để lên đài. Có thể tưởng tượng rằng, bến Thượng Hải khi ấy, có rất nhiều anh hùng, hào kiệt nhưng những người thật sự có thể có cơ hội để lên đài, thi triển thân thủ lại chỉ là một số nhỏ các đại danh thủ. Không nói Lý Nghĩa Đình chỉ là một đứa trẻ 16 tuổi vô danh, mà đến ngay cả những danh thủ đã có chút danh tiếng, cũng khó có được một lần công đài, chỉ đành vật vờ nơi các trà quà tìm người chơi độ. Lý Nghĩa Đình cũng ở trong tình cảnh giống như bọn họ, ban ngày chơi cờ trong các trà quán, tối về đi Đại Thế Giới xem cờ. Trải qua một quãng thời gian không ngắn như thế, không chỉ Lý Nghĩa Đình lo lắng, La Thiên Dương cũng cảm thấy mình đã không làm tròn trách nhiệm, thế là La lợi dụng địa vị và quan hệ của mình trên kỳ giới, ra sức giúp đỡ, “quảng cáo” về Lý để cho Lý có được cơ hội để công đài.

Trước tiên, La tìm Chu Kiếm Thu, cầu xin Chu bố trí cho Lý được biểu diễn, nhưng Chu nghĩ đến Lý chẳng có danh tiếng, lại là một đứa trẻ. Nếu đánh không tốt, sẽ ảnh hưởng tới tiền vé, khi ấy Chu ăn nói làm sao với ông chủ của Đại Thế Giới, biết đâu năm sau ông ta chẳng để Chu chủ trì lôi đài. Vì thế, Chu đã từ chối giúp đỡ. Không còn cách nào, La Thiên Dương đành phải đi cầu Đổng Văn Uyên. Vì lôi đài Đại Tân Công Ty do Đổng Văn Uyên và giám đốc Du Lạc Dương cùng sắp xếp. Đổng Văn Uyên ngoại hiệu là ‘tiểu Hàng Châu”, nổi danh từ những năm 40, từng kích bại “thất tỉnh kỳ vương” Chu Đức Dụ, hùng cứ một dải kỳ đàn Hoa Đông. Đổng còn là cao thủ về cờ vây, từng đoạt hạng 4 toàn quốc, vì thế còn có biệt hiệu “song thương tướng”. Nhưng có điều đáng tiếc, nhân phẩm và kỳ phẩm của Đổng không tốt, nhưng dù vậy Đổng rất coi trọng La Thiên Dương. Nguyên do là khi La du đấu Hàng Châu, khi ấy Đổng mới bước vào giới cờ, La đã chỉ dạy nhiều ván cho Đổng, nói ra hai người còn có tình sư đồ. Vậy mà, Đổng Văn Uyên sau khi nghe xong yêu cầu của La Thiên Dương, cũng cảm thấy vô cùng khó khăn, chỉ có điều Đổng không tiện từ chối, bèn trả lời rằng khoảng thời gian tới đã sắp xếp các kỳ thủ đấu hết rồi, nhưng Đổng sẽ chú ý tới việc này, khi có cơ hội nhất định người đầu tiên sắp xếp sẽ là Lý. Có được câu trả lời như vậy, La Thiên Dương rất vui mừng, trở về và khuyên Lý hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm vài ngày.

Lý Nghĩa Đình tới Thượng Hải cũng sắp tròn một tháng, các trà lầu chơi cờ dường như đều đã in dấu chân Lý. Các cao thủ hạng 2 nơi đất Thượng Hải, phần lớn Lý đã giao đầu qua, dù tự mình cảm thấy quãng thời gian này kỳ nghệ được rèn luyện không ít, thu hoạch cũng không nhỏ, nhưng cuối cùng tới Thượng Hải này là vì muốn được công đài, muốn được giao đấu cùng đại cao thủ, mục đích này vẫn chưa thực hiện được nên cảm thấy rất buồn bã. Nhìn thời gian cũng đã vào khoảng cuối tháng 8, mùa lôi đài cũng chuẩn bị kết thúc, La Thiên Dương cũng không thể ngồi được nữa, hôm nay La dắt theo Lý Nghĩa Đình đi tìm Đổng Văn Uyên. Vừa thấy Đổng, La đã vội vàng nói: “kỳ lôi đài đã sắp đi vào đóng cửa, Lý Nghĩa Đình lần này tới Thượng Hải thật không dễ dàng gì, cậu hãy sắp xếp cho nó công đài một lần, chí ít cũng giúp nó giải quyết vấn đề lộ phí trở về”. Dưới tình hình này, Đổng cũng không nỡ khước từ dành phải đồng ý “Vậy để tôi đi tìm Dương Quan Lân bàn bạc xem sao”.

Dương Quan Lân mỗi lần ngồi lôi đài đều cố định mỗi tháng 15 trận. Lôi đài của Dương đã định ngày kết thúc là 30 tháng 8, và Dương cũng đã mua được vé tàu trở về Quảng Châu vào ngày 1 tháng 9. Ngày 30 tháng 8, Đổng Văn Uyên tìm được Dương Quan Lân, thấy Đổng Dương bèn nói: “tối nay là trận cờ cuối cùng của tôi, ngày mai là tôi về quê rồi”. Đổng Văn Uyên dù từ lâu đã biết Dương Quan Lân là người rất khó thay đổi chủ ý, nhưng vẫn ôm theo một tia hy vọng, xin Dương hãy đấu thêm một trận.

“Đấu với ai vậy?” Dương Quan Lân hỏi

“Với Lý Nghĩa Đình”

Cái tên Lý Nghĩa Đình, từ lâu Dương Quan Lân cũng đã nghe Trần Tùng Thuận, Tăng Ích Khiêm nói qua. Tăng Ích Khiêm còn từng dự đoán rằng: “Với thiên tư của Lý Nghĩa Đình, nhất định có ngày Lý trở thành quố thủ”. Bởi thế, Dương Quan Lân rất có hứng thú đối với Lý Nghĩa Đình, thế là Dương quyết định thử công lực của Lý một phen xem sao, và Dương đã nhận lời giao đấu.

Đổng Văn Uyên thấy Dương nhận lời giao đấu cùng Lý Nghĩa Đình, thật ngoài sức tưởng tượng, bèn vội vàng chạy đi tìm La Thiên Dương để kể công.

7. Nhất chiến công thành dương mỹ danh

Đổng Văn Uyên lớn tiếng kể lại mình làm sao mới có thể thuyết phục được Dương Quan Lân đồng ý, gặp phải khó khăn ra sao, thật làm người ta cảm kích. Đương nhiên, La Thiên Dương cũng bày tỏ sự cảm kích vô cùng, và lại dặn dò Lý Nghĩa Đình nhất định trong trận này phải phát huy được thực lực, để không phụ công của Đổng Văn Uyên.
Đêm hôm ấy, Lý Nghĩa Đình vui mừng quá đỗi, chẳng thể nào ngủ được. Chuyện thắng thua, dường như Lý chưa từng nghĩ qua, Lý nghĩ nhiều về chuyện mình thật may mắn mới có được vinh hạnh này, vì Dương Quan Lân trước nay vẫn là đại quốc thủ mà Lý ngưỡng mộ nhất, có thể được ngồi cùng Dương đánh cờ là giấc mơ đã từ rất lâu trong Lý, bây giờ giấc mơ ấy sắp trở thành hiện thực, hỏi làm sao Lý không phấn khích tới mất ngủ.

Tối ngày 31 tháng 8, khi Lý Nghĩa Đình cuối cùng cũng có thể mặt đối mặt đấu cờ cùng Dương ở lôi đài Đại Tân Công Ty, trong lòng Lý lúc này rất nhiều cảm xúc đan xen. Có thể lấy thân phận một tiểu kỳ thủ 16 tuổi, ngồi ở vị trí mà ngay cả vô số kỳ thủ thành danh mơ còn chẳng thấy, đương nhiên Lý cảm thấy vài phần tự hào, nhưng vừa nghĩ tới nhân vật ngồi trước mặt mình là thái sơn bắc đẩu của kỳ giới, Lý chẳng thể nào không chế được cảm xúc của mình, tự nhiên khẩn trương đôi chút.

Được biết lôi đài của Dương Quan Lân sẽ đấu thêm một trận, đương nhiên những người yêu cờ rất vui mừng. Nhưng khi họ nhìn thấy đối thủ ngày hôm nay của Dương Quan Lân chỉ là một tiểu kỳ thủ vô danh, thì bọn họ cảm thấy vô cùng thắc mắc, ai cũng muốn biết tiểu kỳ thủ đó là ai, từ đâu tới, có bản lĩnh ra sao? Bọn họ dự cảm rằng hôm nay sẽ có một màn kịch vui, vì trên lôi đài của Đại Tân Công Ty trước nay chưa từng có cơ hội cho bọn vô danh tiểu tốt đăng đài.

Đối với Dương Quan Lân mà nói, lúc đầu Dương cũng chẳng xem Lý vào đâu. Đây chẳng có gì là lạ, bởi chẳng có lý do gì để Dương phải coi trọng Lý, Dương một đời bôn ba, vượt qua không biết bao nhiêu gian khó, giờ đã vang danh khắp kỳ đàn, còn Lý mới chỉ là một đứa trẻ mới 16 tuổi thì có thể gây phong ba gì đây.

-Còn tiếp…-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét