Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Kỳ đàn xuân thu

Nguyên tác: Kỳ đàn xuân thu- Mạnh Lập Quốc
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com


Phần 1: Kỳ quốc tranh hùng lục
Cuộc chiến của giáp tổ trong giải vô địch cá nhân toàn quốc năm 1980



Hồi thứ nhất: Lăn vân sơn kỳ quốc tranh hùng
Đông phá lầu Hồ Dương điểm binh


Ngày 24 tháng 8 năm 1980, khai mạc giải vô địch cá nhân toàn quốc tại Đông phá lầu- Lăng vân sơn của tỉnh Tứ xuyên. Một giờ chiều, trưởng ban trọng tài Lưu Kiếm Thanh phất cờ khai mạc. 24 vị đại cao thủ tới từ khắp nơi trên đất nước bắt đầu thi tài. Lúc này chỉ thấy khỏi lửa nổi lên nơi sở hà hán giới. Tại bàn 3, Quảng đông Dương Quan Lân tao ngộ cùng Thượng hải Hồ Vinh Hoa. Cả hai người danh vang kỳ đàn, đều là nhất đại cao thủ đương thời, được ca tụng là song hùng của kỳ giới. Dương lão năm nay 56 tuổi, đã hơn 40 năm tung hoành kỳ đàn, công lực phi phàm, sử dụng trung pháo và bình phong mã tới mức xuất quỷ nhập thần. Những năm 50 đã từng 3 lần nhất thống thiên hạ. Cho đến đầu những năm 60, Hồ Vinh Hoa anh hoa phát tiết, mới đẩy lui được Dương mà ngồi vào toà bảo điện, cũng từ đó mở ra thời kỳ mới, thời kỳ “thập liên bá” độc bá kỳ đàn. Năm nay, dù đã ngoài ngũ tuần, nhưng Dương lão vẫn không thể cởi giáp phong đao bởi hùng tâm tráng chí vẫn còn đó. Vòng này, Hồ Dương tương ngộ. Với lợi thế đi tiên, Hồ nhanh chóng bày trấn pháp bảo sơn phi tượng cục, từng có thơ rằng “thần cơ mạc tắc phi tượng cục, phong vân biến ảo quải giác mã” để nói về phi tượng cục, trong các cuộc đại chiến trước đây dường như phi tượng cục luôn giứp Hồ trăm trận trăm thắng. Dương lão tinh thâm kỳ nghệ, công lực phi phàm, từ lâu đã có chuẩn bị, trước đây lão thường dùng trung pháo cương mãnh đối phi tượng, nay lão quyết biến chiêu, dùng quá cung pháo để lấy tĩnh chế động. Hai người bày binh bố trận, người tới kẻ đi, chiến đến hơn 1 giờ, trên bàn cờ tuy mới chỉ tính đi 2 con tốt, nhưng trên bàn cờ đang âm ỷ những khối nham thạch chỉ chực trào dâng. Tiều Hồ nhìn ra đối sách lão hổ không xuất động của Dương lão, không một nét chau mày, kế ở trong tim, tiểu Hồ quyết mở trận, liền nhẹ nhàng di pháo bát lộ phong xe của Dương lão, bày ra kế điệu hổ ly sơn. Dương lão đang lo xe không có đường xuất, tính toán không được sâu xa, khinh suất đi nước bình xe tróc mã. Tiểu Hồ nhân đà đấy phế tốt bảy, tiến tốt biên, xuất ra diệu thủ. Lúc này, Dương lão mới biết mình đã trúng kế, lạnh toát mồ hôi, thầm kêu khổ, hối hậu vì đã tính xe thất tiên. Tiểu Hồ thấy trận pháp của Dương lão đã mở, thừa thế xông lên chém giết, tiến pháo bức pháo đả mã. Một lộ biên pháo của Dương lão đang bị vây khốn, Dương lão đâu biết làm gì hơn, chỉ đành giương mắt nhìn nó chôn thân nơi cửa tốt. Ngờ đâu Tiểu Hồ tiến bước lơ đễnh, cầm nhầm quân cờ, trình tự không thoả đáng, đến nỗi con pháo vốn đã chết yểu của Dương lão bỗng nhiên thoát được. Tiểu Hồ hối hận mất đi nước trước, thề quyết đoạt lại những gì đã mất, lại tập hợp lại binh lực, hòng mưu đoạt cửu cung của Dương lão. Biết làm sao khi đã mất đi cơ hội giành thắng lợi, thời gian một đi không thể trở lại. Dương lão không hổ danh là “quỷ thúc”, nhìn thấy Tiểu Hồ liều mạng chém giết, liền đưa ván cờ về đấu tàn cục, bởi đấu tàn cục là sở trường một đời của Dương lão.Quả nhiên, tỷ đấu công phu tàn cục một hồi lâu, bởi tiểu Hồ cầu thắng, lại một lần nữa mắc sai lầm, nhảy mã trúng trận địa phục kích. Người ta thường nói: “sai một nước đi cả ván cờ”, tiểu Hồ mắt nhìn bảo mã bị vây hãm nên trận tiền, bỏ thì không nỡ, nhưng cũng chẳng có đường lui, thời gian qua đi hồi lâu, tiểu Hồ chỉ còn biết nhìn bảo mã thở dài bởi chẳng nghĩ ra đối sách nào tốt hơn. Lúc này, đã đến thời gian “phong cờ”, hai bên tạm thời bãi chiến. Tới đêm, cuộc chiến lại tiếp tục diễn ra. Lão dương hơn quân chiếm ưu, thi triển công phu tàn cục thượng thừa, dần dần vây bức tiểu Hồ. Sau hơn 130 hiệp giao đấu, cuối cùng tiểu Hồ sức cùng lực kiệt, đã bị Dương lão kích bại.

Trải qua một cuộc chiến mà tiểu Hồ từ kẻ chiến thắng bỗng chốc trở thành kẻ chiến bại, nguyên khí hao tổn nặng nề, tình cảnh của tiểu Hồ lúc này cũng giống như khi Bá Vương bị vây khốn ở Cai Hạ trong cuộc hội chiến Cửu Lý Sơn năm nào. Muốn biết diễn biến tiếp theo thế nào, hồi sau sẽ rõ.



Hồi 2: “Thập liên bá” tứ diện sở ca
Đông bắc hổ ba lần chuốc bại





Luận về kỳ nghệ giữa Hồ Dương thật khó phân cao thấp, tiểu Hồ dù thắng hay bại thì đó vẫn chỉ là chuyện thường tình của nhà binh. Nhưng, trong cuộc chiến ở Phúc châu, Hồ bị Dương bức hoà, Dương dẫn đầu tiểu tổ, làm mất đi cơ hội vô địch của đội Thượng hải, thất bại ngày hôm đó hôm nay lại hiện ra, khó tránh khỏi làm cho tiểu Hồ có chút bức bối trong lòng. Từ vòng 2 đến vòng 5, thành tích của tiều Hồ thật thảm hại, 3 hoà 1 thua. Trong 4 vòng này, nhất chiến của tiểu Hồ là cuộc đại chiến Hồ bắc Liễu Đại Hoa, kỳ lộ của Liễu quảng hoạt ba đào, công thủ toàn diện, tại đại hội thể dục thể thao lần 4 đã từng kích bại tiểu Hồ. Lần giao phong này, hai bên triển khai bố cục “đoản binh tương kiến”, Hồ tiên phát chế nhân, xuất ra tân bố cục bình phong mã hữu khởi hoành xe, tiểu Hồ cố ý lộ ra nửa thân cánh hữu, mời Liễu công sát. Nhưng khi đó, Liễu dụng binh nghiêm mật, không nhanh không chậm, trong công có thủ, trong thủ có công, ván cờ lúc này trùng trùng điệp điệp phục binh của hai bên. Với Hồ lúc này tiến thoái lưỡng nan. Tiến không được mà thoái thì mất đi cơ hội thắng. Tuy nhiên, cũng không thể vì thấy khó mà lui. Sau đó, hai bên tận lực tính quân, bãi binh nói hoà.

Nhị chiến Triết giang Trần Hiếu Khôn. Giữa Trần và Hồ là tình đồng môn. Khi còn thơ ấu, cả hai đã từng chập chững học những nước cờ vỡ lòng ở nhà Từ Đại Khánh. Giờ đây gặp nhau, nhưng không thể nhượng nhau. Cờ của Trần cẩn thận, chắc chắn. Hai bên chiến hơn 4 giờ, không bên nào giành được ưu thế, cuối cùng đành bắt tay nói hoà.

Tam chiến, Bắc kinh Tăng Như Ý, Tăng là kỳ thủ thành danh của những năm 60, từng giành danh hiệu á quân toàn quốc. Tăng một thân kim cương bất hoại, quỷ kế đa đoan, lâm trận Hồ liên tục cầu thắng, nhưng đều lần lượt bị Tăng hoá giải, cuối cùng cũng bắt tay nói hoà.

Vòng 4 kết thúc, Từ Thiên Lợi với 3 thắng 1hoà, tạm thời dẫn đầu. Dương Quan Lân nối gót phía sau. Hồ Vinh Hoa chỉ giành được 3 điểm, mắt Hồ trân trân nhìn vào bảng xếp, nhưng biết làm sao khác bây giờ. Tình cảnh của Hồ lúc này giống như tình cảnh của Sở bá vương khi bị vây khốn ở Cai hạ, bốn mặt trùng trùng hiểm nguy. Hôm nay, ở vòng 5 lại đụng độ Lan Lộ Hổ. Bạn có biết Lan Lộ Hổ là ai không? Đó chính là Hồ bắc Hồ Viễn Mậu. Lão Hồ lần đầu tiên tham gia giải vô địch cá nhân toàn quốc, công lực thâm hậu, tuy nhiên lại không thiện chiến về các bố cục. Lão Hồ đối Tiểu Hồ, lão Hồ chỉ cần hoà là mãn ý, trong khi tiểu Hồ đang ở thế tất phải thắng. Nhị Hồ tranh đấu, một bên giữ thành, an dân, còn một bên ra sức vũ lộng ba quân quyết chiến, thà làm ngọc nát, quyết không chịu làm ngói lành. Chiến hơn 3 giờ, lão Hồ vẫn giữ nguyên được binh đội tốt, trong tình cảnh đó, tiểu Hồ vẫn không cam tâm, dốc lành quyết chiến, trong lòng nóng vội đã mắc sai lầm, pháo dâng miệng cọp, mất quân mất thế, thế bại trận đã định. Vậy là, sau 5 vòng, tiểu Hồ 3 hoà 2 thua, kể từ khi xuất sư năm 1960, hơn 20 năm nam chinh bắc chiến, chưa từng gặp cảnh thảm hại như thế này.

Trong giải này, còn có một viên đại tướng, cũng gặp cảnh khốn cùng như tiểu Hồ, người được người đời ca tụng là “đông bắc hổ”, là “Nam Dương bắc Vương” danh chấn thiên hạ, hẳn các bạn đã biết đó là ai, đó là Hắc long giang Vương Gia Lương. Ba trận đầu, Vương chiến bại cả ba. Những ai đã kích bại được Vương? Người đầu tiên kích bại Vương lão chính là viên tiểu tướng của Quảng đông Lữ Khâm, người đã vô địch giải trẻ toàn quốc năm 1978. Trong trận chiến này, Vương lão vì tham công, không muốn hoà cờ, cố cưỡng cờ nên bị tiểu Lữ kích bại. Người thứ 2 kích bại Vương lão là Hà bắc Lý Lai Quần. Và người thứ 3 kích bại Vương lão đó là Thượng hải Từ Thiên Lợi. Từ cùng với Hà Thuận An, Chu Kiếm Thu là tam kiệt của bến Thượng hải khi xưa. Năm 1957, 1958 từng lọt vào nhóm quốc thủ. Sau đó, Từ chuyển sang chơi cờ vua, hai năm sau Từ giành được chức quán quân toàn quốc, vì thế được người đời ca tụng là “kỳ quốc song thương tướng, dịch lâm trí đa tinh”. Vương Từ là những cựu thù năm xưa, đã quá hiểu rõ về nhau, thắng thua chỉ nằm trong ý nghĩ mà thôi.

Vương Gia Lương 3 trận chiến bại, đã dẫn tớii giai thoại “Song thương tướng quá ngũ quan chém lục tướng”. Chuyện như thế nào, hồi sau sẽ rõ…



Hồi 3: Từ Thiên Lợi ngũ quan vô trở
Liễu Đại Hoa liên hạ tam thành




Đoạn này nói về chuyện Từ Thiên Lợi quá ngũ quan. Đầu tiên, Từ đụng độ Hà bắc Lý Lai Quần. Hai người kỳ phong tương cận, ra quân cẩn mật, cuối cùng bắt tay nói hòa. Nhị chiến Hồ Viễn Mậu. Lâm trận Từ dùng phản cung mã phản kích. Sau đó, Từ khéo phế mã phế pháo mà ca khúc khải hoàn. Tam quan do viên đại tướng phương bắc Vương Gia Lương trấn giữ nhưng cũng không thể cản được bước tiến của Từ. Tứ quan do Lý Bạch Thuần của Nội mông trấn giữ. Nhưng Từ với công phu tàn cục thượng thừa cũng đã vượt qua Lý. Và trấn giữ cửa ải cuối cùng chẳng phải ai xa lạ mà chính là “quỷ thúc” Dương Quan Lân. Khi ấy, Dương lão hai thắng hai hòa. Trước trận đấu, có một kỳ hữu đã chỉ ra một vài điểm bất lợi của Dương lão là: Thứ nhất, Dương lão kém từ một điểm, nên rơi vào thế “bối thủy nhất chiến”. Với Từ mà nói, ván này có thể thắng có thể hòa, vì thế Từ không bị đè nặng tư tưởng. Dương vòng 1 kích bại Hồ Vinh Hoa, vòng 2 kích bại Ngôn Mục Giang. Hai ván này đều là những ván khổ chiến kéo dài. Vòng 3, bắt tay nói hòa với đệ tử Lữ Khâm. Vòng 4, dù ở thế đi tiên, nhưng Dương lão cũng không thể kích bại được Lý Lai Quần. Từ đó, có thể thấy tinh lực của Dương lão có hạn. Từ với lợi thế đi tiên, nếu dùng phi tượng cục, lại được sự trợ giúp của Hồ Vinh Hoa, trong tình hình này Dương lão khó mà thắng được.

Và khi trận chiến Từ Dương diễn ra, quả nhiên Từ dùng phi tượng cục. Dương đáp trả bằng trung pháo, hòng tìm đường cầu công. Biến này đã được Từ Hồ thẩm kỹ, tiến vào trung cục Từ ứng biến lanh lẹ, đã vây khốn Dương lão. Song xe, song pháo của Dương lão bị vây khốn. Thấy mình rơi vào tuyệt địa, Dương lão nào cam tâm. Lão phế mã, bắt đầu phản kích, sau đó lại phế tiếp pháo, mưu đoạt cửu cung của Từ. Ngờ đâu, Từ đã có dự liệu từ trước, lão tướng đăng thành, quan sơn vọng cảnh, lấy công đối công, và chuẩn bị xe pháo mã liên sát. So với Dương lão, Từ vẫn nhanh hơn một bước. Cuối cùng Dương lão cũng đành chịu thúc thủ.

Lại nói về Liễu Đại Hoa. Sau ba vòng với 2 hòa 1 thua, thành tích quả thật là không tốt. Nhưng ở Liễu vẫn toát lên phong độ của quán quân 1958 Lý Nghĩa Đình thưở nào. Vòng 4, Liễu đụng độ Lữ Khâm. Khi ấy, Lữ được 5 điểm, đang cùng Dương Từ dẫn đầu. Vào trận, Liều dùng bố cục “tiên nhân chỉ lộ”, tiểu Lữ không quen chiến pháp “ném đá dò đường”, nước thứ 4 đơn mã nhập cung, bố cục đã lộ ra sơ hở lớn. Liễu nhanh chóng nắm chắc cơ hội, gia tăng áp lực, cuối cùng kích bại được tiểu Lữ. Tiếp đà chiến thắng, Liễu đả bại Lý Lai Quần. Vòng 6, Liễu đụng độ Từ Thiên Lợi. Khi ấy, Từ đang dẫn đầu, nên có chút úy kỵ. Vào trận, Liễu dùng khởi mã cục, sau chuyển thành thướng sỹ tượng cục. Thấy vậy, Từ vui mừng ra mặt, lòng thầm nghĩ, muốn đấu nội lực thì nào ai sợ ai. Được mười mấy nước Liễu thay đổi đối sách, từ từ phát động thế công. Khi ấy Từ mới biết mình thất sách, chẳng còn đường phản kích. Sau đó, còn bị Liễu phá sỹ chém tượng nhập cục. Vậy là Liễu liên hạ tam thành, mà toàn hạ những đối thủ trực tiếp.

Cuộc chiến tiếp theo thế nào, hồi sau sẽ rõ.

Hết hồi 3, còn tiếp...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét