Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Kỳ đàn thần đồng Lý Nghĩa Đình (2)

Tác giả: Tiền Cương& Trương Úc Vỹ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Nhà xuất bản Thục Dung kỳ nghệ


Chương 1 Ngõ nhỏ xuất thần đồng

-Tiếp theo-

4. Biệt hiệu “ Tiểu thần đồng” là do đâu?

Lý Nghĩa Đình dưới sự chiếu cố, dìu dắt của mấy vị cao thủ tiền bối, kỳ nghệ đã có bước tiến rõ rệt, lúc ấy, có người nói với La Thiên Dương rằng: “dạy đồ độ có ngày đồ đệ cướp bát cơm của thầy, ông bây giờ dạy Lý Nghĩa Đình, cẩn thận có ngày Lý cướp bát cơm của ông, lúc ấy ông có hối hận cũng không kịp”.

La Thiên Dương nghe vậy, nghiêm sắc mặt đáp: “tâm nguyện lớn nhất của tôi bây giờ chính là vì Vũ hán có thể bồi dưỡng được một nhất đại cao thủ vang danh toàn quốc, còn về những chuyện phiền phức tôi chưa từng nghĩ qua, nếu tương lai Lý thật sự có ngày vang danh, tôi vui mừng còn chẳng được, nào dám hối hận”. Sau này, câu chuyện ấy truyền tới tai Lý Nghĩa Đình, Lý nghe được cảm thấy mình quả thật may mắn khi đã gặp được La Thiên Dương.

Ngoài La Thiên Dương, các lão tiền bối như Chu Vị Tân, Đỗ Nhượng Thiên cũng đổ rất nhiều tâm huyết đối với sự trưởng thành của Lý Nghĩa Đình. Chu Vị Tân vì bệnh tật nên người gầy gò, ốm yếu nhưng Chu có ngoại hiệu là “Ưu tài”, đó là bởi Chu là một lão kỳ thủ rất có học vấn. Bình thường mỗi khi chơi cờ ở các trà quán, Chu thường đem them một cái túi đựng kỳ phổ và bút mực, những lúc rỗi rãi thường đem ra đọc hoặc ghi lại những đối cục mà mình yêu thích.

Bị ảnh hưởng từ Chu Vị Tân, Lý Nghĩa Đình cũng bắt đầu mượn kỳ thư, kỳ phổ đem về nhà đọc. Đối với tất cả các yêu cầu, thắc mắc của Lý Nghĩa Đình chu đều đáp ứng, có khi còn chủ động giới thiệu Lý với một số danh gia. Dần dần Lý Nghĩa Đình đã đọc không ít kỳ thư, kỳ phổ, khi đã mở rộng tầm mắt, Lý bắt đầu quan tâm tới lý luận cờ tướng cơ bản. Trong đó, có 4 quyển có ảnh hưởng rất lớn đối với Lý, đó là “Dịch lâm tinh hoa” của Dương Quan Lân, “Tượng kỳ đại quan” của Hà Thuận An, “Tượng kỳ giảng tọa” của Đồ Cảnh Minh và “Tượng kỳ phổ đại toàn” của Tạ Hiệp Tốn. Nhưng làm Lý khâm phục nhất là cảnh giới cao thâm khôn lường của Dương Quan Lân trong “Dịch lâm tinh hoa”, trong đầu Lý cứ thôi thúc một câu hỏi: “Khi nào, khi nào mới có thể mặt đối mặt đánh cờ cùng Dương, khi nào mình mới có thể đạt được thành tựu như Dương”.

Bị ảnh hưởng của những kỳ thư đó, Lý Nghĩa Đình cũng bắt đầu ghi lại những ván đấu của mình và cũng cẩn thận thẩm đi thẩm lại những ván đó. Thông thường Lý đều chơi cờ ở các trà quán tới đêm, nếu trở về nhà muộn, không có thời gian, sáng hôm sau, việc đầu tiên Lý làm chính là ghi lại những ván đấu của mình. Nhưng những ghi chép của Lý, đại đa phần là những ván thắng của bản thân, đặc biệt là những ván mà Lý cho là rất đặc sắc.

Khi ấy, đối với nghiên cứu tàn cuộc Lý rất hứng thú, Lý đã đổ nhiều thời gian và tinh lực vô đó. Đầu tiên, Lý nghiên cứu cẩn thận, tỉ mỉ cuốn “thực dụng tàn cục” của Đồ Cảnh Minh, và dần ghi nhớ hết chúng vào trong đầu, đồng thời đối với những bài cục cổ phổ nổi danh như “thất tinh tụ hội”, “dã mã thao điền”… Lý cũng nghiên cứu rất sâu. Lý nghiên cứu thâm sâu bài cục cổ phổ như vâỵ không chỉ để thưởng thức sự hoàn mỹ của chúng, mà còn để nâng cao công lực thực chiến của mình.

Mới chỉ mấy tháng, mà những bước tiến có được của Lý, đã làm cho các lão kỳ thủ rất vui mừng. Bọn họ dần dự tình đem lại cho Lý thêm nhiều cơ hội hơn. Một ngày cuối hè năm 1953, Đỗ Nhượng Thiên nói với Lý Đông Hán rằng: “Chúng tôi định bố trí cho Lý đấu biểu diễn, ông xem xem thế nào?”.
Đây chính là chuyện tốt cầu còn chẳng được, nên Lý Đông Hán vừa nghe, nào dám hai lời, vui mừng nói: “Đây là chuyện tốt, nhưng không biết sức cờ của khuyển tử thế nào?”
Đỗ Nhượng Thiên xua tay nói: “Chuyện này ông không cần phải lo lắng, chúng tôi đã có tính toán cả”.

Trận biểu diễn đầu tiên của Lý Nghĩa Đình được bố trí ở Động thiên cư trà lầu, đối thủ của Lý là danh thủ Vũ hán Hồng Phương Đại. Trước trận biểu diễn, có một chuyện làm Đỗ Nhượng Thiên lo nghĩ. Nguyên Đỗ Nhượng Thiên là một người viết chữ rất đẹp. Chữ quảng cáo biểu diễn treo bên ngoài trà lầu phần lớn đều do Đỗ tự tay viết, thông thường mà nói đối với những danh kỳ đã nổi danh, đã có ngoại hiệu, , cứ theo đó mà viết. Nhưng Lý Nghĩa Đình còn là một thiếu niên, trên kỳ đàn chưa có danh phận, vậy trên quảng cáo bên ngoài phải viết thế nào mới không ảnh hưởng tới tiền vé. Vài người suy đi tính lại, nhưng cũng không biết phải nên viết thế nào, đột nhiên Đỗ vỗ bàn nói: “hay viết là Tiểu thần đồng”. Lý Nghĩa Đình tuổi còn nhỏ, đặt cho một thân phận trên kỳ giới thật không dễ dàng, gọi là Tiểu thần đồng có lẽ không quá đáng chút nào”. Mọi người nghe thấy vậy, cũng cảm thấy rất có lý, bèn nhao nhao nói: “tiểu thần đồng, biệt danh này được đấy, cứ viết vậy đi”.

Sau khi có biển quảng cáo “tiểu thần đồng”, hiệu quả ngoài sức tưởng tượng của mọi người, mọi người thi nhau tìm hiểu: “kỳ đàn Vũ hán xuất hiện Tiểu thần đồng khi nào vậy? Kỳ nghệ của Tiểu thần đồng có thật sự lợi hại không?”

Đêm hôm đấu biểu diễn, người tới xem đông hơn thường ngày, Đỗ Nhượng Thiên vui mừng ra mặt. Lý Nghĩa Đình cũng không thẹn với danh hiệu “tiểu thần đồng”, đã xuất sắc kích bại Hồng Phương Đại. Trong ván ấy, khi đánh đến trung cục Lý đã chiếm ưu thế rất lớn, nhưng đến lúc này xuất hiện một vấn đề thuộc về quy định. Hồng dùng pháo trường đuổi xe quá hà của Lý, và con xe này ngoài chiếm tuyến tốt hoặc lộ áp đáy của Hồng, thì đi nước nào cũng xấu. Hồng cho rằng xe của Lý còn có đường thứ 3 để đi, nếu không đi Hồng sẽ trường tróc sẽ hòa cờ. Kỳ đàn khi ấy không có một quy định thành văn nào thống nhất. Bình thường khi đánh cờ quy định đều do mọi người truyền miệng mà thành. Đối diện với cục diện này, Chu Vị Tân, Đỗ Nhượng Thiên đều cho rằng Hồng nên thay đổi nước đi. Hồng vốn là một người hào sảng, nghe những người có danh phận nói vậy, nên đã thay đổi nước đi.

Lý Nghĩa Đình lần đầu tiên đấu biểu diễn đã kích bại được lão tiền bối, tự nhiên gây được tiếng vang lớn, mọi người đều nói rằng: “quả không thẹn là Tiểu thần đồng”. Và biệt danh “tiểu thần đồng” của Lý Nghĩa Đình ngày càng lan truyền trên kỳ đàn Vũ hán.

5. Tiếp thu kinh nghiệm của cao thủ

La Thiên Dương thấy Lý Nghĩa Đình ngày càng có danh tiếng trên kỳ đàn Vũ hán, bèn nói với Lý Đông Hán: “Lý Nghĩa Đình nên đi ra để mở mang tầm mắt, năm sau tôi đi Thượng hải sẽ mang nó đi theo.

Khi Lý Nghĩa Đình vẫn chưa rời Vũ hán, thì Lý cũng đã được học tập kinh nghiệm của cao thủ bên ngoài ngay tại nơi đây. Đầu mùa hè năm 1953, danh thủ Quảng đông Trần Tùng Thuận tới thăm Vũ hán. Mục đích của Trần vốn là tới Thượng hải, nhưng thuận đường thì lưu lại Vũ hán vài ngày, thăm bạn hữu, giao lưu kỳ nghệ. Trần là một nhân vật truyền kỳ trên kỳ đàn. Thời niên thiếu đã thể hiện tài năng kỳ nghệ phi phàm, là đệ tử chân truyền của “Kỳ tiên” Chung Trân, được người đời xưng tụng là “Hoa nam thần long”. Từ năm 1942, khi kỳ nghệ đã tựu thành, Trần bôn tẩu giang hồ, từng viễn chinh tây nam, gặp người thường nhượng song mã, nổi danh khắp nơi. Đầu những năm 50, Trần liên kết cùng “Quỷ thúc” Dương Quan Lân, ứng chiến các lộ hào kiệt, chiến tích huy hoàng, viết nên giai thoại “Trần Dương hợp binh”.

Trần sau khi tới Hán khẩu, cư ngụ tại nhà Đỗ Nhượng Thiên. Năm Trần còn mưu sinh bằng cờ ở Côn minh, đã từng được Đỗ Nhượng Thiên trợ giúp kinh tế, cho nên hai người giao tình rất sâu đậm. Bởi thế, lần này tới Vũ hán, cư ngụ tại nhà Đỗ Nhượng Thiên, luận đàm chuyện kỳ nhân kỳ sự, thế thái nhân tình cũng là một chuyện vui trong đời.

Với tiếng tăm của Trần, tới Vũ hán tự nhiên sẽ gây được sự chú ý của kỳ giới. Lý Nghĩa Đình dưới sự dẫn dắt của cha, đã tới nhà Đỗ Nhượng Thiên, hi vọng có thể được Trần chỉ dạy. Trần, sau khi được Đỗ Nhượng Thiên giới thiệu, đã cảm thấy rất hứng thú đối với Lý Nghĩa Đình, và vui vẻ đồng ý chỉ dạy hai ván cờ. Trần là đại danh thủ tiền bối, lại là khách từ phương xa, đương nhiên hai người thể bằng phân, thể là sau khi thương lượng, Trần nhượng 2 tiên. Kết quả, Lý giành được 1 thắng 1 hòa. Sau ván đấu, Trần còn kiên nhẫn ngồi thẩm cờ cùng Lý.

Trần Tùng Thuận vừa rồi Vũ hán, thì Tăng Ích Khiêm, một cao thủ khác của kỳ đàn Quảng đông cũng không hẹn mà tới. Trong con mắt niên thiếu của Lý Nghĩa Đình, Tăng Ích Khiêm là nhân vật còn lợi hại hơn Trần Tùng Thuận. Vì bình thường khi đọc kỳ thư, Lý đã biết Tăng là công tử nhà Tăng Triển Bàng- một trong “Hoa đông tam phụng”, học vấn uyên bác, công phu thâm hậu. Kỳ giới khi ấy lưu truyền rằng: “hổ phụ sinh hổ tử”, chính là để hình dung về phụ tử Tăng thị.

Thời gian Tăng lưu lại Vũ hán, chính là lúc “lò lửa” bắt đâu phát huy uy lực. Trước đây, Tăng chưa từng nếm trải cái nắng như thiêu như đốt ấy, nên lúc này cảm thấy vô cùng khó chịu, đặc biệt trong vấn đề ăn uống, cảm thấy chẳng thể ngon miệng. Có lần khi đang chuyện phiếm ở trà quán, Tăng lại nói đến khí hậu của Vũ hán làm người ta rất khó chịu, Lý Đông Hán bèn nói với Tăng: “Nếu Tăng tiên sinh không ngại, về sau có thể tới nhà tôi ăn cơm, tôi sẽ bảo nhà tôi làm vài món hợp với khẩu vị của tiên sinh”. Lý gia dù cuộc sống rất khó khăn, nhưng để Lý Nghĩa Đình có thể học hỏi cao thủ, nên quãng thời gian ấy đã cố gắng để Tăng ngon miệng. Lý Nghĩa Đình đã được Tăng chỉ dạy 4 ván, cũng là nhượng 2 tiên. Kết quả Lý thắng 2, hòa 1, thua 1. Tăng không chỉ chỉ điểm cho Lý Nghĩa Đình, mà còn nói với Lý Đông Hán: “Tiền đồ của tiểu tử thật khó lường, nhưng nên cho nó đi ra để học hỏi, kết giao. Ông đừng bỏ phí tài năng của nó”. Lý Đông Hán vội vàng đáp: “Đúng vậy, đúng vậy. La tiên sinh cũng nói như ngài, ông ấy còn hứa năm sau sẽ đưa khuyển tử tới Thượng hải học hỏi”.

6. Lần đầu tới Bến Thượng hải.

Lý Nghĩa Đình vẫn ở trong trà quán khổ luyện kỳ nghệ. Thời gian thấm thoát thoi đưa, chốc lát đã tới mùa hè năm 1954. Một buổi tối, có người tới trà quán tìm Lý Đông Hán, nói La Thiên Dương từ Thượng hải có thư về, muốn Lý Nghĩa Đình lập tức tới Thượng hải và lưu lại địa chỉ dừng bước của La Thiên Dương ở Thượng hải. Vốn dĩ, La tiên sinh còn muốn một thanh niên cao thủ khi ấy là Trương Nhuận cùng Lý Nghĩa Đình tới Thượng hải. Nhưng do công việc, nên Trương Nhuận không thể đi. Vì vậy, Lý Nghĩa Đình đành phải một mình độc bước tới Thượng Hải.

Lý Nghĩa Đình muốn đi Thượng hải mở rộng tầm mắt, cả nhà đều rất vui mừng về Lý, nhưng đồng thời cũng có chút lo lắng, suy cho cùng, đây là lần đầu tiên Lý xa nhà, hơn nữa lại đi một mình, sợ rằng trên đường không biết tự chăm sóc cho bản thân. Khi Lý Đông Hán chuẩn bị mọi thứ cho Lý, luôn dặn dò kỹ mọi thứ. Lý vì quá đỗi vui mừng nên chuyện gì cũng gật đầu.

Dù đây là chuyện vui, nhưng tiền đi đường đối với Lý gia mà nói cũng là một vấn đề lớn. Vét hết mọi thứ trong nhà cũng chỉ được 8 tệ. Mất 4 tệ cho tiền vé, còn lại 4 tệ để Lý Nghĩa Đình tiêu vặt dọc đường. Lý Đông Hán lại từ gầm giường tìm được một chiếc hòm cũ, sau một hồi sửa chữa, đã tạo ra một chiếc hòm đựng y phục và đồ sinh hoạt cho Lý. Dù là đi ra để mở rộng tầm mắt, theo lý mà nói thì nên làm dáng một chút, nhưng điều kiện sinh sống của Lý gia như vậy, thì nào có khả năng may cho Lý một bộ y phục mới. Bởi thế bà mẹ đành phải tự mình động tay, vội vàng làm cho Lý một đôi giày mới. Còn về y phục thì đành chịu.

Ngày ra đi, Lý Đông Hán đưa con trai tới tận bến thuyền, lúc sắp lên thuyền, ông lại một lần nữa dặn dò con trai: “Có được chuyến đi này thật không dễ dàng, nhất định con phải giao đấu thật nhiều với các cao thủ, phải chăm chỉ học cao chiêu của bọn họ rồi hãy quay về”.


-Còn tiếp…-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét