Cute Panda

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Hồ Vinh Hoa phượng hoàng bất tử (1)

Nếu ai yêu thích Hồ Vinh Hoa nên tìm đọc các quyển "Hồ Vinh Hoa tượng kỳ nhân sinh" của tác giả Thừa Chí; "kỳ vương Hồ Vinh Hoa" của tác giả La Đạt Thành. Hai quyển đó rất đầy đủ về Hồ Vinh Hoa. Nếu là truyện ngắn nên tìm đọc "Thiên hạ anh hùng ai địch thủ- tự truyện của Hồ Vinh Hoa" và loạt bài của tác giả Ân Ba về Hồ Vinh Hoa ;))






Tác giả: Ân Ba- Tạp chí kỳ nghệ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com



Có thơ rằng:

Bách niên giai lão
Anh hùng bối xuất
Cá trung giảo giảo
Yêu số Vinh Hoa

-Tạ Hiệp Tốn-

Năm 1960, trong giải cá nhân toàn quốc, khi ấy Hồ Vinh Hoa mới chỉ 15 tuổi, đã trấn áp quần hùng, lần đầu tiên ngồi lên tòa bảo điện, thật sự là kỳ tích.

Từ năm 1960 đến năm 1979, Hồ Vinh Hoa 10 lần liên tục giành chức quán quân, và được xưng tụng mỹ hiệu “thập liên bá”, thật sự là kỳ tích.

Trong 3 giải vô địch toàn quốc từ năm 1980 đến năm 1982, Hồ thân bại danh liệt nơi Lạc sơn, không ít người cho rằng, thời kỳ đỉnh cao của Hồ đã qua đi. Có lẽ muốn đoạt chức vô địch một lần nữa thật khó. Vậy mà, Hồ gượng dậy rất nhanh. Năm 1983 và 1985, Hồ lại thêm hai lần vô địch toàn quốc, thật sự là kỳ tích.

Sự ảo diệu trong thành công của Hồ nằm ở đâu? Kỳ tích vì sao xuất hiện ở nơi Hồ? 30 năm trở lại đây, bao nhiêu người đã tìm hiểu, nghiên cứu, để từ đó đưa ra câu trả lời chính xác. Có người nói rằng bởi “Hồ là thần đồng", có người nói bởi “Hồ là siêu thiên tài”, cũng có người nói “Hồ biết xe pháo mã, trước khi biết tới một, hai, ba, bốn, năm”. Sự thật là như thế nào? Có lẽ, mở ra chiếc cặp nhỏ ngày Hồ còn đi học, bạn sẽ biết được, nguồn căn của sự huyền diệu nằm ở nơi đâu.

TÌNH YÊU THỜI THƠ ẤU

Sau khi tiếng chuông tan học lanh lảnh vang lên, nơi sân trường tiểu học Cát an lộ của thành phố Thượng hải, bỗng chốc huyên náo lạ thường. Tan học rồi, bọn trẻ ùa ra như ong vỡ tổ. Trong bao nhiêu nụ cười hoạt bát vui tươi ấy, nổi lên một khuôn mặt thật đáng yêu. Một khuôn mặt non nớt, bầu bĩnh, một đôi mắt tinh nhanh, vừa nhìn đã thấy là một cậu bé làm cho người ta vô cùng yêu thích, trên vai cậu khoác một chiếc cặp đã cũ sờn, cậu vội rảo bước nhanh ra cổng lớn của trường. Trên đường về, khi cậu đi qua sới cờ trên đường Thuận xương, bước chân đột nhiên dừng lại, đôi mắt tinh nhanh như bị những bàn cờ kia hút hồn. Cậu bé ấy chính là Hồ Vinh Hoa. Mỗi ngày trên đường đi học về, cậu nhất định phải nhìn “tướng quân” của người ta, và thường rất muộn mới trở về nhà. Vì sao Hồ Vinh Hoa yêu thích cờ tường, và vì sao cậu lại bị cờ tướng mê hoặc. Đến ngay bản thân cậu cũng không thể lý giải nổi. “người đầu tiên dạy tôi chơi cờ là bố tôi, dù rằng nếu lấy tiêu chuẩn bây giờ mà đo, trình độ của bố ngày ấy thực sự rất thấp, nhưng chính bố là người làm tôi cảm thấy hứng thú với cờ tướng, mỗi đêm bố thường gọi tôi và chị gái tới đầu giường, dạy chúng tôi chơi cờ…” Hồ Vinh Hoa đã viết như vậy trong tự truyện của mình. Sau này, Hồ Vinh Hoa phát hiện ra, bên hàng xóm có một chú chơi cờ rất tốt, và cậu trở thành khán giả trung thành của người ấy. Dưới ảnh hưởng của người ấy, rất nhanh Hồ Vinh hoa học những nước đi và nguyên lý cơ bản. Khi bắt đầu, người chú ấy nhượng Hồ một xe, nhưng qua một thời gian cậu đã có thể đánh bằng phân với người ấy, rồi tiếp một quãng thời gian nữa, người ấy đã không còn là đối thủ của cậu.

Hồ Vinh Hoa sinh ra trong một gia đình công nhân, trên cậu có 1 chị gái, phía dưới còn có 3 người em. Bố cậu vì bệnh tật nên mất đi khả năng lao động, cả nhà đều do một vai mẹ cậu gánh vác, cuộc sống vô cùng vất vả.

Hồ Vinh Hoa vô cùng yêu thích cờ tướng, thường tìm bạn bè đồng trang lứa chơi một vài ván. Có khi lên cơn “nghiện” cờ, muốn tìm người chơi cùng, nhưng không có bộ cờ nào, lúc ấy cậu mong muốn có một bộ cờ biết bao.

Nhưng Hồ Vinh Hoa biết, cuộc sống gia đình cậu vốn đã quá khó khăn, và cậu cũng không có thói quen xin tiền người lớn. Không có quân cờ thì tự mình làm, cậu kiếm được một tấm bìa cứng, thế là ngày hôm ấy cậu hý hoáy ngồi cắt quân cờ. Rồi viết lên đó nào là “xe pháo mã” “tướng sỹ tượng”, dù cậu đã cố gắng cắt cẩn thận, quân cờ vẫn méo xiên méo xệch, nhưng với cậu mà nói, như thế đã là quá tốt rồi. Mỗi quân cờ đều đọng trong đó bao tâm huyết của cậu, sự sáng tạo của cậu, trút vào đấy tình yêu cờ tướng vô hạn của một con tim thơ ấu.

Hồ Vinh Hoa thời niên thiếu, chỉ là có đầy đủ sự thông minh, lanh lợi của một đứa trẻ, cậu tuyệt đối không phải là “thần đồng”, cũng không phải là “siêu thiên tài”, lại càng không phải là “trước biết xe pháo mã, sau biết một, hai, ba, bốn, năm”. Đứa trẻ nào khi bi bô tập nói chẳng tập gọi tên bố, mẹ, rồi tập đếm. Nên nói là trong một số cao thủ, Hồ Vinh Hoa là một người tiếp xúc với cờ tướng tương đối muộn. Có người nói là 7,8 tuổi, có người nói là mười tuổi trở đi, cho dù là bản thân Hồ cũng không nói chính xác, cậu chỉ nhớ là khi học tiểu học mới tiếp xúc với cờ. Điều đó so với kỳ thủ tiếp xúc với cờ từ khi 4 tuổi đã chậm đi 5, 6 năm.

32 quân cờ giấy ấy, đã thai nghén nên “nhất đại kỳ vương”. Sự ảo diệu trong thành công của Hồ Vinh Hoa cũng chính là bắt đầu từ 32 quân cờ giấy đó.

Những đồ vật trong cặp học sinh tiểu học rất đơn giản, chỉ là vài quyển sách, vài quyển vở bài tập, thêm vào đó là một hộp bút chì, nhưng thông thường các cậu con trai thường thích nhét cặp mình căng phồng, đó không là tri thức văn hóa, mà thường là những thứ đồ chơi yêu thích. Vài khẩu súng đồ chơi, những cỗ bài tú lơ khơ, hay bất cứ vật gì các cậu có thể chơi được. Nhưng cặp sách của Hồ Vinh Hoa lại không ‘căng phồng” như vậy. Ngoài sách vở, chỉ có bộ cờ giấy kia. Cậu đi tới đâu cũng mang nó đi theo, mỗi ngày sau khi tan trường, hoặc vào những ngày nghỉ, cậu thường nằm dưới các gốc cây hay ngồi nơi ghế đá công viên, tràn đầy hứng thú đối sát với 32 quân cờ. Dần theo thời gian, các quân cờ bị chà sát, nhìn không còn rõ, cậu lại lấy bút tô vẽ lại, rồi quân lại bị chà sát nhìn không rõ và cậu lại tô vẽ lại. Sức cờ của cậu mạnh lên cùng với không biết bao nhiêu lần chà sát và tô vẽ ấy.

Kỳ nghệ của Hồ Vinh Hoa được nâng cao, thì Vinh Hoa lại càng mê mẩn cờ tướng hơn, nhưng lại gặp phải sự phản đối của người mẹ. Mẹ mỗi ngày thấy Vinh Hoa sau khi tan học đều không về nhà, có về nhà cũng ngồi ngơ ngẩn trước bàn cờ, thậm chí lúc nhai cơm cũng nghĩ tới cờ, vì sợ con sao nhãng chuyện học hành, càng sợ con vì nghĩ về cờ mà “tẩu hỏa nhập ma”, thế là bà bèn đem cờ của con đốt đi. Nhưng tình yêu cờ của Vinh Hoa không vì thế mà mất đi, cậu dùng sự thực để “cảm hóa” bà mẹ. Ở trường, bài vở cậu đều học rất tốt, ra bên ngoài cậu không gây chuyện thị phi, dần dần mẹ không còn phản đối cậu chơi cờ.

Khi học tiểu học, Vinh Hoa đã là “kỳ đại vương”, ở trường cậu không có đối thủ. Vậy là, sau mỗi buổi tan trường, cậu thường lân la tới sới cờ xem cao thủ giao đấu, dần dần cậu trở thành chỗ quen biết với chủ sới. Một lần nọ, sới chỉ có một người chơi, nhất thời không tìm được đối thủ, sới chủ bèn gọi Vinh Hoa lại và nói: “Cậu tới chơi đi, nếu có thua cũng không phải trả tiền sới đâu?”. Nghe vậy, cậu liền ngồi vào chơi, điều làm cho mọi người không ngờ tới là cậu thắng liền mấy ván. Người tới sới xem cờ, chơi cờ ngày càng đông, nhiều người chẳng xem cậu vào đâu, nhưng luân phiên đánh với cậu đều không thắng được. Chiều ấy, chỉ trong hơn 1 giờ cậu đã thắng liền 12 ván. Chủ sới mừng ra mặt, bèn bảo cậu hãy thường xuyên lui tới chơi cờ. Mục đích là dùng cậu nhằm lôi kéo khách, cũng từ đó nhờ cậu lôi khách mà sới làm ăn phát đạt trong một thời gian. Cũng chính nơi sới cờ này, cậu quen được Trần thúc thúc, chính Trần là người đã dẫn Vinh Hoa tới gặp Đậu Quốc Trụ.

Hơn 20 năm trước đất Dương châu nổi tiếng với “Dương châu tam kiệt”, kế tục “Dương châu tam kiếm khách”, Đậu Quốc Trụ chính là một trong ba kiếm khách ấy, ngoài cờ tướng, Đậu lão cũng rất am hiểu cờ vây, vì vậy còn có danh “song thương tướng”, cuối những năm 30, Đậu lão từng vân du tới Quảng đông, từng bất phân thắng bại trong 6 ván với “cửu tỉnh kỳ vương” Hoàng Tùng Hiên. Vinh Hoa đã ngưỡng mộ Đậu lão từ lâu.

Nhưng khi cậu tới nhà, gặp lúc Đậu lão đang ngủ, cậu không dám đánh thức, cũng không muốn quay về, bèn đứng bên ngoài, nhẫn nại chờ đợi.
Thời gian chầm chậm trôi đi, một giờ, rồi hai giờ… Vinh Hoa cứ đứng chờ, đến nỗi hai chân tê cứng, nhưng Đậu lão vẫn chưa tỉnh giấc. Nhưng Vinh Hoa không nản lòng, cậu thầm nghĩ: “nếu không được giao thủ với Đậu lão, nhất quyết mình không trở về”. Cậu cứ chờ, chờ mãi, cuối cùng Đậu lão cũng tỉnh giấc, khi Đậu lão hỏi cậu tới đây có việc gì, chính sự thành tâm hiếu học của Vinh Hoa đã làm Đậu lão cảm động. Lão kiếm khách sinh thời không dễ đánh cờ cùng người khác, huống hồ lại là một đứa trẻ. Nhưng Vinh Hoa dù nhỏ tuổi vậy, con tim lại thành tâm đến vậy, bởi vậy Đậu lão phá lệ, đánh cờ cùng cậu.

Một danh thủ thân mang tuyệt kỹ, một đứa trẻ thành tâm cầu học, một già một trẻ ngồi chơi cờ cùng nhau. Khai cuộc Đậu lão dùng “bình phong mã” đối phó với “Trung pháo bàn đầu mã” của Vinh Hoa. Tiến vào trung cục, Vinh Hoa đẩy mạnh thế công, lúc này Đậu lão cảm thấy đứa trẻ này thật không dễ đối phó, và ông mới thật tâm để ý vào bàn cờ, sau một hồi chém giết, hai bên đã chẳng còn thế công, bắt tay nói hòa. Xong với, Đậu lão cười nói với người ở bên: “kỳ nghệ của thằng bé được lắm, hôm nay ta mới dùng 5 thành công lực mà đứa trẻ này có thể đánh hòa, quả là nhân tài có thể dạy, sau này tất làm nên đại nghiệp”.

Theo dòng thời gian, kỳ nghệ của Vinh Hoa ngày càng nâng cao. Mùa hè năm 1957, Thượng hải tổ chức giải cờ học sinh tiểu học toàn thành, Vinh Hoa đã vượt qua vô số các đứa trẻ khác đoạt ngôi vô địch. Đây chính là lần tham gia giải chính thức lần đầu tiên của cậu. Khi cầm lá cờ gấm và một bộ cờ giải thưởng về nhà, lòng cậu phấn khởi vô cùng.

Năm 1958, Vinh Hoa tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào trung học Ngũ ái, trường vì để bồi dưỡng kỳ nghệ của cậu đã gửi cậu đến lớp cờ của cung thể thao thành phố Thượng hải. Từ đây, cậu bắt đầu danh sư dạy và chỉ điểm một cách có hệ thống.

Lúc này, cờ tướng đã như một dòng sông, lúc nào cũng cuộn chảy trong đầu Hồ Vinh Hoa.

-Còn tiếp…-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét