Tác giả: Ân Ba- Tạp chí kỳ nghệ
Lược dịch và phóng tác: k400201@dichnhac.com
Tiếp theo và hết
Tiết thu khí trời mát mẻ, trời trong mây sáng. Trên con đường quốc lộ, một chiếc xe ô tô phi như bay. Trải qua hành trình hơn 6 giờ, chiếc xe dừng lại trước khách sạn Đại khánh hoa lệ. Buổi chiều, người Đại khánh nhiệt tình hiếu khách vì các kỳ thủ đã chuẩn bị một bữa tiệc rất thịnh soạn.
Do Hồ tư lệnh danh tiếng rất lớn, cho nên người tới chúc tụng cũng đặc biệt nhiều, anh một cốc, tôi một cốc, cứ luân phiên nhau chúc tụng như vậy. Nếu như trên bàn cờ mà xa luân chiến, Hồ tư lệnh tuyệt đối không thua kém ai, nhưng đây là xa luân chiến trên bàn rượu, làm tư lệnh khó mà chống đỡ. Khi buổi tiệc kết thúc, Hồ đã bắt đầu chếnh choáng, bước đi đã có phần xiêu vẹo. Tôi thường cùng Hồ tư lệnh đối ẩm, vậy mà đây là lần đầu tiên nhìn thấy Hồ trong tình trạng như vậy. Sợ xảy ra chuyện ngoài ý muốn, tôi bèn dìu Hồ về phòng. Không ngờ được rằng, vừa dìu Hồ nằm lên giường, thì Hồ đã trợn trừng mắt hỏi tôi: “bàn cờ của A Vinh thế nào rồi?”, làm tôi giật mình kinh hãi.
Thời khắc ấy, ở phòng bên cách một bức tường, Triệu Quốc Vinh và Tăng Ích Khiêm vẫn còn đang chém giết dữ dội. Hồ tư lệnh trong lòng hiểu rằng, lần này nếu Hồ muốn xưng vương, thì đối thủ lớn nhất chính là tiểu Đông bắc hổ Triệu Quốc Vinh. Xem ra Hồ tư lệnh vẫn chưa say, đầu óc vẫn còn đang rất minh mẫn. Cuối cùng Hồ lẩm nhẩm nói: “Tôi uống không được nhiều, ngày mai chắc không đánh nổi rồi”.
Ngày hôm sau, trên bảng xếp hạng, quả nhiên Hồ lại có thêm 2 điểm. Hồ đã khéo dụng quân kích bại được Liêu ninh tướng quân Bốc Phụng Ba. Vậy là, sau 4 vòng Hồ Vinh Hoa, Lý Lai Quần, Triệu Quốc Vinh cùng giành được 2 thắng 2 hòa cùng nhau dẫn đầu, có là một cục diện thú vị. Giải đang ở giai đoạn quyết định.
Ngày 13 tháng 10, vòng 5 diễn ra, tư lệnh gặp Đông bắc hổ Vương Gia Lương, ván đấu được tổ chức ở thành phố An đạt. Vương lão với lợi thế đi tiên đã dùng bố cục sở trường “thuận pháo trực xa đối hoành xa”, chỉ hơn 10 hiệp giao đấu, Vương lão đã nhặt mất của Hồ 1 mã. Nhưng tư lệnh quả là quái kiệt, dù mất 1 quân nhưng đối diện với nguy hiểm chẳng hề loạn, đã đánh ra những nước xuất thần, cuối cùng hình thành cục diện xe pháo tốt liên công phá thành, bức Vương lão nhận thua. Trong buổi tiệc mừng tối hôm đó, một vị lãnh đạo của An đạt đã nói với Hồ tư lệnh rằng: “Hi vọng Hồ đại sư thường tới chỗ chúng tôi làm khách”. Hồ nâng cốc uống một hớp, rồi nhìn Vương lão ở bên đùa vui rằng: “Hôm nay lẽ ra là tôi thua cờ, nhưng cuối cùng lại nghịch chuyển thành thắng, nơi đây quả là đất lành cho tôi, về sau tự nhiên là tôi sẽ thường xuyên tới đây rồi”
Sau vòng 5, Hồ tư lệnh và Triệu Quốc Vinh cùng 3 thắng 2 hòa, vượt lên dẫn đầu giải. Sang vòng 6 hai người tương ngộ, kết quả bất phân thắng bại. Vòng 7, diễn ra vào ngày 15 tháng 10 lại quay về đánh ở kỳ viện Hắc long giang. Trải qua một trận chém giết, kết quả cuối cùng là Hồ tư lệnh thắng Tăng Ích Khiêm, Triệu Quốc Vinh thắn Bốc Phụng Ba, Vương Gia Lương thắng Lý Lai Quần, Liễu Đại Hoa thắng Trần La Bình. Chuyện đên đây cũng vừa khéo, khi trưởng ban trọng tài tổng kết kết quả, phát hiện ra rằng Hồ tư lệnh và Triệu Quốc Vinh không chỉ bằng điểm, mà hệ số phụ cũng bằng nhau. Có câu rằng: “một nước chẳng thể có hai vua”, vì vậy không thể có hai kỳ vương cùng xuất hiện. Căn cứ theo quy định giải, Hồ tư lệnh và Triệu Quốc Vinh phải dùng cờ nhanh để quyết thắng thua. Trải qua bốc thăm, Hồ tư lệnh may mắn giành được lợi thế đi tiên.
Ván cờ nhanh trải qua 108 hiệp chém giết kinh tâm đởm phách, cuối cùng Hồ tư lệnh đã kích bại được Triệu Quốc Vinh. Cuối cùng thì giải kỳ vương lần thứ nhất đã kết thúc. Hồ tư lệnh đã trở thành “vương trung vương”
Huyền thoại mãi còn
Năm 1985, khi Hồ Vinh Hoa lần thứ 12 ngồi lên tòa bảo điện, thì lúc này trên kỳ đàn, vô số anh hùng hào kiệt đã nổi lên, Quảng đông có Lữ Khâm, Hà bắc có Lý Lai Quần, Giang tô có Từ Thiên Hồng, Hắc long giang có Triệu Quốc Vinh… hình thành cục diện cát cứ phân tranh, thế là có người nói rằng: “12 lần vô địch, e rằng đó là đỉnh cao nhất của Hồ lão sư”.
Vậy mà Hồ tư lệnh lại không nghĩ như vậy, tư lệnh vẫn không chịu gác đao rửa kiếm, vẫn mãi kiếm tìm chức vô địch lần thứ 13. Vậy mà, từ năm 1986 đến năm 1996, trong 11 giải cá nhân toàn quốc được tổ chức, dù tư lệnh đã 2 lần giành á quân, 2 lần giành lý quân, nhưng chức quán quân vẫn cứ hững hờ trôi đi.
Muốn giành ngôi quán quân, phải dựa vào thực lực và phải có cơ ngộ. Năm 1980, khi Hồ tư lệnh binh bại Lư sơn, Lý Lai Quần đã từng nói rằng: “Hồ Vinh Hoa dù mất đi chức vô địch, nhưng không mất đi trình độ của nhà vô địch”. Bao năm nay, Hồ tư lệnh vẫn cho rằng câu nói đó là chính xác, vẫn tin rằng bản thân mình có thực lực để đoạt chức vô địch, chỉ là cơ ngộ chưa tới.
Hồ tư lệnh cứ mãi kiếm tìm như thế cho đến giải cá nhân toàn quốc năm 1997. Khi tư lệnh bước đến Chương châu- quê hương của hoa thủy tiên, có người hỏi tư lệnh rằng: “lần này liệu tiên sinh có thể đoạt chức vô địch lần thứ 13 không?”, Hồ tư lệnh cười vui vẻ mà trả lời rằng: “nếu có thể đoạt sẽ đoạt, đừng miễn cưỡng”. Điều đó cho thấy tâm thái bình lặng của tư lệnh.
Hồ tư lệnh lấy chiến thuật linh hoạt, dùng kinh nghiệm tuổi già, cứ lần lượt qua từng cửa quan một, cuối cùng với thành tích bất bại 5 thắng 8 hòa, tiên sinh một lần nữa đã lên ngôi cao nhất của giải cá nhân toàn quốc. Sau giải, Hồ tư lệnh nói: “giải này vừa may gặp lúc tôi phát huy trình độ tới cao trào, mỗi bàn tôi đều đánh rất tốt, hơn nữa hi vọng vô địch trong giải rất lớn. Khi lâm trận, tôi vừa phát huy kinh nghiệm phong phú của bản thân, lại dùng các đối sách khác nhau đối với các đối thủ khác nhau, vì vậy đã giành được kết quả mỹ mãn”. Năm ấy, tư lệnh đã 52 tuổi, và đã viết nên một chương mới chưa từng có trên lịch sử kỳ đàn.
Từ ngày 8 đến ngày 18 tháng 11 năm 2000, giải cá nhân toàn quốc được gọi là “đại chiến thể kỷ” được tổ chức tại An huy. Trước giải, mọi người đều đặt hi vọng lớn vào “Lĩnh nam song hùng”, bởi mấy năm gần đây, “Lĩnh nam song hùng” đang thống trị mọi giải lớn nhỏ của kỳ đàn. Còn về Hồ tư lệnh, khi đó đã 55 tuổi chẳng được chú ý mấy.
Hai vòng đầu, Hồ tư lệnh đều chiến hòa với Lâm Hoành Mẫn và Liễu Đại Hoa. Vòng 3, tư lệnh giành chiến thắng trước Thang Trác Quang của Quảng đông. Vòng 4, tư lệnh bị Hứa Ngân Xuyên kích bại. Hứa Ngân Xuyên dù thắng ván cờ, nhưng lại trợ giúp tư lệnh rất lớn. Còn về trợ giúp cái gì, hạ hồi phân giải.
Vòng 4, tư lệnh cố gẳng giữ mình, nhưng chính vào lúc này, kỳ tích đã xuất hiện. 6 vòng tiếp theo, dù tiên hay hậu, tư lệnh đã giành chiến thắng trước 6 viên đại tướng là Hỏa xa đầu Vu Ấu hoa, Thẩm dương Thượng Uy, Bắc kinh Trương Cường, Cát lâm Đào Hán Minh, Nam phương kỳ viện Tôn Vĩnh Sinh và Thẩm dương Miêu Vĩnh Bằng. Trong đó, Thượng Uy, Trương Cường, Miêu Vĩnh Bằng được mọi người ví là “hắc mã” của giải, và tư lệnh đã thuần phục được những con ngựa chứng ấy.
Vòng cuối cùng, tư lệnh bắt tay nói hòa với Nhiếp Thiết Văn của Hắc long giang. Cuối cùng với thành tích 7 thắng, 3 hòa, 1 thua được 8.5 điểm, tư lệnh đã giành ngôi vô địch. Sau giải Hồ tư lệnh có nói: “sau khi thua tiểu Hứa, bản năng chiến đấu trong tôi bỗng bùng phát dữ dội, vì thế các ván về sau tôi đánh rất tốt, vô địch lần này tôi phải cảm ơn tiểu Hứa rất nhiều”.
Từ năm 1960, Hồ tư lệnh lần đầu tiên vô địch giải cá nhân toàn quốc, mất thời gian 3 năm, tư lệnh sáng tạo ra bố cục mới “trung pháo hoành xa thất lộ mã”, bố cục này đối đầu gay gắt với bố cục bình phong mã, đặc biệt là hoành xe bình lộ 4. Thử nghĩ xem, một kỳ thủ thiếu niên 15, 16 tuổi mới bước vào kỳ đàn đã dám tiến hành cải cách lý luận bố cục của các tiền bối trước đây, thật là một điều đáng quý biết bao.
Về sau, Hồ tư lệnh còn phát triển, hoàn thiện các lý luận bố cục quá cung pháo, phi tượng cục. Đem nó ra áp dụng trong các giải đấu, giành được tỷ lệ thắng kinh người. Không những thế, đối với các bố cục như Phản cung mã, tiên nhân chỉ lộ, uyên ương pháo, quy bối pháo… tư lệnh đều có những sáng tạo độc đáo.
Hồ Vinh Hoa không thẹn là một trong “mười nhân vật kiệt xuất của kỳ đàn”, không thẹn là “thiên hạ dịch lâm đệ nhất nhân”.
-HẾT-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét